Bắt đương sự chờ vì rối chuyện phối hợp

Vụ án liên quan đến tôi được tòa thụ lý hơn bốn năm nay nhưng vẫn giậm chân tại chỗ vì chờ xác minh chứng cứ. Tôi già rồi, làm sao có thể chờ hoài được chứ…” - ông Vũ Đình Kim (tạm trú đường Bình Giã, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) phản ánh.

Ông Kim kể, năm 2010, ông được TAND huyện Hóc Môn xác định là người liên quan trong vụ tranh chấp nợ nần giữa bà T. và một công ty. Nguyên trước đó bà T. mượn giấy tờ nhà của ông thế chấp cho công ty để vay tiền (ngoài ra bà cũng lấy giấy tờ nhà của mình thế chấp cho công ty để vay tiền). Sau đó bà T. không trả được nợ nên công ty kiện đòi. Trong quá trình xử lý, tòa cho rằng một trong hai giấy tờ nhà mà bà T. cung cấp cho tòa có dấu hiệu làm giả nên chuyển đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hóc Môn (gọi tắt là văn phòng đăng ký) nhờ xác minh.

Ông Kim buồn bã vì vụ án liên quan đến mình kéo dài quá lâu. Ảnh: NH

Chờ lâu không thấy tòa mời lên xử, ông Kim nóng ruột nên liên tục đến tòa đề nghị giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, tòa cứ hẹn lần lữa, bảo phải chờ công văn trả lời của văn phòng đăng ký. Ông chờ mãi cho đến bây giờ…

Chúng tôi tìm hiểu ở văn phòng đăng ký thì nơi đây cho biết tháng 7-2013, văn phòng đăng ký nhận được công văn đề nghị hỗ trợ của TAND huyện Hóc Môn. Ít ngày sau, văn phòng đăng ký đã có hồi đáp là đang xử lý vụ việc. Tháng 7-2014, văn phòng đăng ký lại tiếp tục nhận được yêu cầu của tòa. Đến ngày 1-8, văn phòng đăng ký cũng đã hồi đáp thể hiện các giấy tờ liên quan đã được chuyển đến Đội Điều tra tội phạm về TTXH Công an huyện Hóc Môn để điều tra, xác minh. Như vậy nơi đây đã làm xong trách nhiệm của mình.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Xuân Mai, thư ký thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án trên, khẳng định tòa chỉ mới nhận được công văn hồi đáp ngày 1-8 của văn phòng đăng ký. Trước đó tòa đã có công văn nhắc nhở nhưng không thấy văn phòng đăng ký phúc đáp nên tòa phải tạm đình chỉ vụ án trên để chờ. Hiện nay theo phúc đáp của văn phòng đăng ký, tòa sẽ nhanh chóng liên hệ với Công an huyện Hóc Môn đề nghị nơi đây sớm xác minh giấy tờ liên quan.

NGUYỄN HIỀN

Cần nêu cao trách nhiệm, đạo đức công vụ

Hiện nay các quy định của pháp luật dân sự nói chung không có quy định nào về quy chế phối hợp giữa tòa án và các cơ quan hành chính trong việc trao đổi thông tin kiểu như trong vụ án này. Đây là hạn chế, song suy cho cùng thì cũng khó có thể quy định được một cách cứng vấn đề này. Bởi lẽ tính chất mỗi công việc, mỗi yêu cầu của tòa với các cơ quan là khác nhau, không thể quy định theo kiểu trong vòng bao nhiêu ngày cơ quan phải trả lời cho tòa biết. Tòa hỏi UBND khác với hỏi ngân hàng hoặc cơ quan thuế… Ngân hàng có thể chỉ mất hai ngày để trả lời, còn UBND có khi phải lập đoàn xác minh, thanh tra báo cáo gần một năm sau mới có ý kiến chính thức cho tòa được. Cho nên nếu có quy định thì người ta cũng có lý do để thoái thác khi xảy ra hậu quả.

Vậy làm sao để mối quan hệ này thông suốt và việc vấn tin (hỏi đáp thông tin) kịp thời, chính xác nhằm bảo đảm được thời hạn xét xử cũng như bảo đảm được quyền lợi của các đương sự? Theo tôi, trước tiên phụ thuộc vào trách nhiệm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Nếu có sự chậm trễ do tắc trách, sai sót hoặc trục trặc nào kiểu ông nói gà bà nói vịt thì lúc đó những cán bộ liên quan phải xem lại trách nhiệm công vụ của mình. Bản thân cán bộ liên quan phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và coi như đó là một chỉ tiêu thi đua trong nghiệp vụ. Thiết nghĩ tới đây cũng phải nghiên cứu nguyên tắc chung như thế nào đó để sự phối hợp giữa cơ quan tố tụng và cơ quan hành chính nhịp nhàng hơn.

TS LÊ MINH HÙNG, giảng viên khoa Luật dân sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM

T.TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm