Cùng với những bước leo thang quân sự hóa trên thực địa ở biển Đông của Trung Quốc (TQ), mặt trận pháp lý trong giải quyết tranh chấp ở vùng biển này trong thời gian tới sẽ tiếp tục nóng. Trong đó, tâm điểm là diễn tiến trong vụ kiện của Philippines đối với TQ. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông James Borton, ĐH Coastal Carolina University (Mỹ), PV chuyên về các vấn đề châu Á của tờ Washington Times.
Ông James Borton nhận định TQ sẽ tiếp tục lên tiếng phủ định các phán quyết tiếp theo của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines, chống lại việc gây áp lực về ngoại giao lẫn pháp lý.
Trung Quốc sẽ tiếp tục “làm ngơ”?
. Phóng viên: Những động thái leo thang tại biển Đông của TQ ngày càng tăng. Phải chăng cơ hội tìm ra giải pháp về mặt pháp lý giải quyết tranh chấp biển Đông là thiếu khả dĩ?
+ Ông James Borton: Bản thân tôi cho rằng ở góc độ nào đó sẽ luôn có những triển vọng liên quan đến việc TQ phải tôn trọng các giá trị thượng tôn pháp luật. Mỹ đang nỗ lực hướng về châu Á nhằm làm vững chắc hơn nữa mối quan hệ với nhiều quốc gia đã thiết lập mối quan hệ với Mỹ.
Việc thắt chặt quan hệ với các quốc gia nằm xung quanh TQ giúp Mỹ có thể làm chậm lại quá trình bành trướng nhằm trở thành bá chủ về quân sự tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương. Nhưng nếu sắp tới phía PCA đưa ra phán quyết gây bất lợi cho TQ và nước này không chấp nhận phán quyết thì dường như vẫn chưa có những cơ chế ép buộc hữu hiệu đối với Bắc Kinh.
Quả thật mọi người đều muốn tin rằng trong một môi trường quan hệ quốc tế hay một thế giới lý tưởng, TQ sẽ tuân thủ những phán quyết của tòa ngay cả khi phán quyết đó bất lợi với yêu sách của TQ, tuy nhiên tôi vẫn nghi ngờ khả năng xảy ra điều đó.
. Vào năm 2015, PCA được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để giải quyết vụ Philippines kiện TQ về vấn đề tranh chấp biển Đông. Như ông nói, Bắc Kinh nhấn mạnh không chấp nhận sự can dự giải quyết từ bất kỳ “bên thứ ba” nào, kể cả PCA và yêu cầu giải quyết tranh chấp song phương. Vậy vụ kiện này sẽ đi về đâu trong năm 2016?
+ Dựa theo Điều 288 (4) trong UNCLOS, phán quyết của tòa án quốc tế vẫn mang tính ràng buộc ngay cả trong trường hợp TQ không tham gia vào quá trình tố tụng. (Năm 2015, PCA khẳng định việc thụ lý và xem xét vụ kiện của Philippines là phù hợp với các quy định của UNCLOS và sự vắng mặt (từ chối tham gia vụ kiện) của chính quyền Bắc Kinh không thể phủ định thẩm quyền xét xử của tòa - PV).
Với vai trò là một thành viên đã tham gia phê chuẩn UNCLOS, TQ phải hành động một cách thiện chí bằng cách tuân thủ bất kỳ phán quyết nào được phía tòa án đưa ra. Việc tôn trọng các phán quyết của tòa án là cơ sở chứng minh nước này sẽ tiếp tục tôn trọng và tuân theo luật quốc tế trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những gì diễn ra cho thấy TQ sẽ không thay đổi một cách nhanh chóng và đáng kể những yêu sách chủ chốt của họ tại biển Đông. Tôi đoán Bắc Kinh sẽ “làm ngơ” các quyết định của Tòa trọng tài; không chấp nhận bất kỳ sự vô hiệu hóa nào đối với yêu sách đường chín đoạn vốn là chìa khóa đối với lợi ích họ muốn chiếm hữu.
Ông James Borton. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Bị truyền thông quốc tế và các nước cô lập
. Rõ ràng nguy cơ Bắc Kinh không chịu gia nhập luật chơi chung liên quan UNCLOS trong năm nay và năm sau là rất cao. Nếu đúng như ông dự báo TQ tiếp tục làm ngơ mọi phán quyết của tòa, điều đó sẽ dẫn đến những phản ứng nào bất lợi cho TQ?
+ Tôi thấy Washington đã thể hiện rõ quan điểm của nước này (về tranh chấp biển Đông) tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vừa qua, rằng “thượng tôn pháp luật” phải được áp dụng với tất cả các bên tranh chấp.
Các phương tiện truyền thông quốc tế, đặc biệt là truyền thông phương Tây, chắc chắn sẽ lên tiếng chỉ trích TQ mạnh mẽ vì không tôn trọng phán quyết của tòa. Mặt khác, tranh chấp biển Đông (trái với kỳ vọng của TQ) sẽ càng trở thành vấn đề trung tâm thu hút sự quan tâm của quốc tế.
Các quốc gia có tuyên bố chủ quyền lẫn các thành viên ASEAN sẽ thể hiện sự thất vọng trước một Bắc Kinh bất tuân phán quyết của tòa, làm gia tăng áp lực và trở ngại lên mối quan hệ song phương ASEAN-TQ. Như vậy, việc TQ từ chối phán quyết của tòa sẽ khiến căng thẳng và xung đột tại khu vực tranh chấp có xu hướng tăng lên.
. Liệu sẽ có một “liên minh pháp lý” để phản đòn TQ?
+ Tôi rất kỳ vọng các nước láng giềng hay các bên có liên quan đến tranh chấp biển Đông sẽ tiến hành một loạt các sáng kiến là các chiến dịch “ngoại giao mềm” để lên án thái độ bất tuân luật pháp, hay không tôn trọng quy tắc “thượng tôn pháp luật” trong cách ứng xử của Bắc Kinh.
Cho đến tận cùng, nếu TQ vẫn bác bỏ hay chỉ đơn thuần là không tuân theo các phán quyết của tòa trọng tài thì Washington sẽ “phản đòn” một cách mạnh mẽ. Bởi vì vị thế nổi trội của Mỹ, các hiệp ước an ninh và vai trò đảm bảo an ninh khu vực của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu vẫn cứ để TQ không tuân thủ hay làm ngơ các quyết định của tòa.
Ngoài ra, Mỹ, Úc, Nhật Bản và đặc biệt là một số quốc gia khác tại khu vực như Philippines, VN cũng sẽ nỗ lực để có thể đạt được những thành quả về an ninh và ngoại giao (đối phó một Bắc Kinh không chịu tuân theo luật pháp quốc tế).
“Trỗi dậy” phải đúng luật chơi chung
. Trong dài hạn nhiều chuyên gia cho rằng TQ trước sau gì cũng phải giải quyết rạch ròi vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng. Theo ông, Bắc Kinh sẽ dùng biện pháp nào để bảo vệ những yêu sách đơn phương của mình trước luật pháp quốc tế?
+ Thật khó đoán chính xác TQ sẽ có những chiến lược gì để phản ứng trước phán quyết. Nhưng chúng ta thấy rằng trước và sau khi vòng một vụ kiện của Philippines diễn ra và có quyết định chính thức từ tòa trọng tài vào tháng 10 năm ngoái, các chuyên gia pháp lý của phía TQ vẫn ra sức khẳng định tòa trọng tài không đủ thẩm quyền để giải quyết vụ kiện.
Nên có thể chiến lược của TQ thời gian tới về mặt pháp lý sẽ đơn giản là tiếp tục phủ định các phán quyết tiếp theo của tòa trọng tài, bao gồm cả việc chống lại việc gây áp lực về ngoại giao lẫn pháp lý.
Các hoạt động cải tạo hay bồi lấp tại biển Đông một cách rộng rãi và nhanh chóng, bao gồm việc thiết lập hệ thống quân sự, sẽ trở thành nền tảng chiến lược để TQ chống lại hay làm ngơ trước bất kỳ vụ kiện tụng hay khiếu nại nào.
. Nhưng trên các diễn đàn quốc tế, TQ cứ nhắc đi nhắc lại tuyên bố “trỗi dậy hòa bình”?
+ Hiện Quốc hội Mỹ cũng bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề đối đầu hay hợp tác với TQ - một con rồng của khu vực châu Á. Tôi không ủng hộ việc gia tăng các chính sách chống đối sự trỗi dậy của TQ.
Điều cần thiết là phải biết kiềm chế, tạo ra điều kiện hợp tác với nhau. TQ muốn được tôn trọng và chấp nhận một vị trí xứng đáng trong nhóm những quốc gia lãnh đạo thế giới. Nói như vậy để thấy rằng muốn có vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế, TQ phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) được TQ và ASEAN ký kết năm 2002.
Tuy nhiên, những hành động gần đây của TQ đều không được luật pháp quốc tế ủng hộ.
Pháp lý kết hợp “ngoại giao mềm” Tôi thấy Việt Nam (VN) đã hòa nhập một cách toàn diện vào cộng đồng quốc tế và đang tiếp tục thuyết phục Mỹ cũng như Liên Hiệp Quốc rằng VN luôn tuân thủ các nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”. Việc VN sử dụng các công cụ pháp lý để chống lại yêu sách của TQ sẽ rất được ủng hộ, tạo hiệu ứng tốt trên mặt trận ngoại giao. Đó là hướng đi đúng trong việc chứng minh quyền hợp pháp và lợi ích đích đáng tại Trường Sa, Hoàng Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. |