Cháy hàng…
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, quý 4-2016 đến tết Nguyên đán 2017 là thời điểm thị trường bất động sản sôi động nhất trong năm.
Ghi nhận từ thực tế, nhiều chủ đầu tư cũng đã lựa chọn thời điểm này để tung ra những dự án mới thuộc nhiều phân khúc, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trong những tháng cuối năm.
Một điều rất thường thấy ở thời điểm này, là nhiều dự án đã được chủ đầu tư thông báo tình trạng “cháy hàng” ngay khi vừa mới công bố mở bán được vài tiếng đồng hồ. Thậm chí, có dự án còn xảy ra tình trạng vài chục khách hàng tranh nhau mua một căn hộ.
Ngày 12-11 vừa qua, thông tin Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh chỉ sau một giờ mở bán dự án Bien Hoa Riverside (xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa) đã tiêu thụ hết toàn bộ 268 sản phẩm đất nền đã khiến cho nhiều người được một phen kinh ngạc.
Theo giới thiệu của Công ty Kim Oanh, dự án có vị trí đắc địa khi nằm cạnh quốc lộ 1K, quốc lộ 1A, đường vành đai 3, đường sắt Bắc Nam… và nhiều tiện ích về y tế, văn hóa, giáo dục. Chính vì thế, ngay từ khi mới công bố, dự án đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người có nhu cầu mua để ở hay đầu tư.
Nằm trên mặt tiền đại lộ Mai Chí Thọ, dự án Centana Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư cũng đã công bố thông tin hơn 400 căn hộ đã được khách hàng đặt mua hết trong đợt mở bán đầu tiên.
Đây được xem là một ngạc nhiên lớn của thị trường bất động sản cuối năm, khi mức giá mà chủ đầu tư đưa ra tương đối cao, từ 28 triệu/m2 cho một dự án còn chưa thi công xong móng cọc.
Nằm trong chiến lược tung ra thị trường 2.000 căn hộ dành cho giới trẻ, ngay từ khi mới công bố thông tin, Him Lam Phú An do Công ty Him Lam Land làm chủ đầu tư đã gây sốt cho thị trường.
Tại dự án này, Him Lam Land áp dụng phương thức thanh toán trả chậm dài nhất hiện nay.
Khách hàng chỉ phải trả 45% giá trị hợp đồng cho đến khi nhận nhà trong thời gian hai năm. 50% giá trị căn hộ còn lại được trả chậm trong vòng bốn năm tiếp theo.
Nhiều dự án đang cố tình gây nên cơn "sốt ảo" nhằm đánh vào tâm lý khách hàng. Ảnh minh họa.
Chỉ sau ba tiếng mở bán, toàn bộ hơn 300 căn hộ đã được khách hàng đặt mua hết.
Sức hút của dự án này lớn đến nỗi, theo thông tin từ chủ đầu tư, ngày 17-12 tới đây, Him Lam Land sẽ tiếp tục mở bán thêm 200 căn hộ ra thị trường.
Mới đây nhất, Dream Home Palace do Công ty Cổ phần Nhà Mơ và Tập đoàn The Global Group Nhật Bản làm chủ đầu tư cũng đã công bố mức tiêu thụ khá thành công, khi chỉ trong một buổi sáng, 450 căn hộ thuộc giai đoạn 2 của dự án này đã được khách hàng đặt mua hết.
...hay "sốt ảo"?
Bên cạnh những dự án “cháy hàng” thực sự do vị trí, giá thành, tiện ích phù hợp, cũng có không ít dự án đang cố tình gây nên cơn “sốt ảo” nhằm nhiễu loạn thị trường.
Tại Bien Hoa Riverside, gần một tháng kể từ khi công bố đã bán xong toàn bộ dự án, PV vẫn được nhân viên sale của Kim Oanh nhiệt tình tư vấn khi có nhu cầu mua đất nền tại đây.
Lo ngại mức giá mua bây giờ không thích hợp để đầu tư, nhân viên này cho biết công ty vẫn giữ nguyên mức giá 6,2 triệu đồng/m2 cho những nền còn sót lại. Lý do là bởi “có khách đặt mua nhưng đổi ý, trả lại hàng”.
Trong vai một người muốn mua căn hộ để đầu tư tại dự án Centana Thủ Thiêm, PV được một nhân viên sale cho biết hiện vẫn còn nhiều căn hộ chưa bán được, nếu có nhu cầu, khách hàng vẫn có thể đặt mua với giá gốc và chiết khấu như ngày mở bán đầu tiên.
Lý do được nhân viên sale đưa ra là trong ngày đầu mở bán, có những người đã cùng lúc đặt cọc nhiều căn hộ. “Giờ họ thay đổi ý định, không muốn mua nhiều như thế nữa nên trả lại, bọn em mới có hàng để bán cho anh” - nhân viên sale này chia sẻ.
Tại dự án Dream Home Palace, điệp khúc “chỉ còn vài căn hộ bán với giá gốc ngày mở bán” cũng được nhân viên sale tư vấn cho khách hàng. Điều khác biệt chỉ là lý do những căn hộ này còn sót lại.
Theo nhân viên sale của công ty, “ngày công bố, tụi em không còn căn hộ để bán do khách hàng đặt mua hết. Nhưng giờ có một căn không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng nên bị trả lại. Nếu anh đồng ý thì đặt cọc tiền để em giữ lại cho anh”.
Trên thực tế, dự án này mới được mở bán vào thứ Bảy, ngày 9-12. Không biết, có ngân hàng nào lại “xé rào” khi làm việc, thẩm định hồ sơ vay vốn cho khách hàng ngay trong ngày... Chủ nhật.
Theo một chuyên gia bất động sản, việc các dự án mở bán ra thị trường, khi công bố thông tin thường “kê khống” số lượng căn hộ được đặt mua nhằm đánh vào tâm lý khách hàng, gây nên cơn “sốt ảo” không phải là điều hiếm gặp.
“Với cách làm như vậy, họ khiến cho nhiều người đổ xô vào mua với tâm lý mua nhanh kẻo hết mà không cần tìm hiểu cụ thể xem tính pháp lý của dự án như thế nào” - vị này cho biết.
Trên thực tế, từ trước tới nay, khá nhiều dự án lúc mở bán thì rình rang nhưng khi bắt tay vào thi công thì nảy sinh hàng loạt vấn đề về pháp lý, tiến độ thi công, chất lượng công trình...
Do đó, khi quyết định đặt mua bất cứ dự án nào, khách hàng cũng nên tỉnh táo, nhìn vào uy tín, thương hiệu cũng như hồ sơ pháp lý của chủ đầu tư nhằm tránh rơi vào tình trạng tiền mất, tật mang.