Ngày 16-5, tức 10 ngày sau ca phẫu thuật tái tạo bàng quang, bé Trần Anh Đức (bốn tuổi rưỡi, ở Cam Ranh, Khánh Hòa) không còn sốt, đã có thể ăn uống bình thường, bàng quang mới đã bắt đầu làm nhiệm vụ chứa đựng nước tiểu.
Lấy đoạn ruột làm bàng quang
Trước đó, ngày 6-5, bé Đức đã được các bác sĩ (BS) BV Nhi đồng 2 thực hiện phẫu thuật tạo lại bàng quang (dân gian gọi là bọng đái) sau gần ba năm bị cắt nhầm (trong thời gian này nước tiểu được dẫn thẳng qua thành bụng nên phải thường có tã thấm). Ca phẫu thuật có sự tham gia của BS Roberto De Castro (người Ý), là chuyên gia niệu phẫu hàng đầu thế giới, từng nhiều lần sang Việt Nam giúp đỡ chuyên môn, đã từng tái tạo thành công dương vật cho “cậu bé lính chì” Nguyễn Thiện Nhân trước đó. Ca mổ trải qua gần chín giờ đồng hồ, hứa hẹn mang lại cho bé một cuộc sống tốt đẹp và bình thường sau này.
PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn, nguyên Trưởng khoa Ngoại niệu BV Nhi đồng 2, phẫu thuật viên trong êkíp mổ, cho biết các BS đã lấy ruột tạo bàng quang và không nối vào đường niệu đạo chính (đường tự nhiên). Giải thích điều này, PGS Sơn cho biết lý do không nối vào đường tự nhiên vì đoạn niệu đạo bị “cắt nhầm” quá sâu, gần sát tiền liệt tuyến. Mặt khác, khi ruột nối vào đường niệu đạo có khả năng gây nguy cơ nhiễm trùng tiểu, đồng thời nước tiểu có thể đi vào hệ thống dẫn tinh gây viêm mào tinh, tức độ an toàn không cao. Do vậy, êkíp phẫu thuật đã lấy một đoạn ruột già, ruột non và ruột thừa (ba đoạn liền nhau) làm bàng quang mới và tạo ống dẫn (bằng ruột thừa) ra thành bụng (hông phải), tạo thành van nhân tạo để nước tiểu không chảy ra ngoài.
Ngay hôm phẫu thuật, thể tích bàng quang nhân tạo là khoảng 120 ml. Tuy nhiên, thể tích này sẽ thay đổi khi bé Đức lớn lên. Theo PGS Sơn, với ca phẫu thuật này, bé Đức có thể không phải trải qua lần phẫu thuật nào nữa. Hiện bé đang được tập tiểu, khi mắc tiểu sẽ đút ống vào, tiểu xong lấy ống ra.
Bé Trần Anh Đức sau mổ tái tạo bàng quang, đang được chăm sóc tích cực tại khoa Ngoại niệu BV Nhi đồng 2. Ảnh: TÙNG SƠN
Phần ruột đã được tạo hình thành túi chứa nước tiểu (thay cho bàng quang đã bị cắt) và nước tiểu được đưa ra thành bụng bằng đoạn ruột thừa. Khi tiểu, bệnh nhân sẽ đưa ống vào lỗ ruột thừa (thành bụng) để dẫn nước tiểu ra (sau mỗi 3-4 giờ/lần). Ảnh: TÙNG SƠN
Đức bị gãy tay khi đi nhà trẻ
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, anh Trần Mai, cha bé Trần Anh Đức, làm nghề hớt tóc, tâm sự từ khi con bị mổ cắt nhầm bàng quang, vợ chồng anh đã đưa con hết vào BV Nhi đồng 2 lại ra Viện Nhi trung ương để tìm mọi cách tạo lại bàng quang cho cháu.
Qua thông tin trên báo, các mạnh thường quân thương tình đã tài trợ cho gia đình anh Mai số tiền tổng cộng là 230 triệu đồng, gửi ở ngân hàng lấy lãi nuôi con. “Trước đây tiền lời mỗi tháng được 1,6 triệu đồng, nay chỉ còn tầm 1 triệu đồng” - anh Mai cho biết. Tuy vậy, hai vợ chồng anh cố tằn tiện nuôi con.
Gần đây, thấy bé Đức đã lớn, ở nhà buồn nên vợ chồng anh gửi bé ra nhà trẻ để bé có bạn vui đùa. Bé được gửi buổi sáng, còn buổi chiều đưa về thay tã, làm vệ sinh. Nhưng mới được một tháng thì bé Đức bị ngã gãy tay nên vợ chồng anh cho bé ở nhà luôn. Từ đó, vợ anh phải bỏ công việc may vá để chăm sóc con. Còn nghề cắt tóc của anh cũng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện cho gia đình trong ngày.
Từ lúc bị cắt bàng quang, bé Đức ăn uống kém, chậm nói, thỉnh thoảng bị sốt siêu vi. Đã gần năm tuổi rồi mà bé chỉ nặng 13,5 kg.
“Thấy cháu có lại bàng quang tôi rất vui, từ nay đỡ phải mang tã. BS nói khi xuất viện về nhà chúng tôi phải tập cho cháu quen với việc tiểu qua ống, việc này phải mất vài tháng” - anh Mai tâm sự.
Bốn tuổi, bốn lần phẫu thuật - Ngày 25-10-2012, bé Trần Anh Đức được các BS BV Đa khoa khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa) mổ thoát vị bẹn nhưng lại cắt nhầm bàng quang của bé. - Ngày 27-10-2012, BV Đa khoa Khánh Hòa đã tiếp nhận và mổ cấp cứu, thông tiểu cho bé. - Ngày 2-11-2012, bé Đức chịu ca phẫu thật thứ ba tại BV Nhi đồng 2 để cố định ống dẫn lưu nước tiểu qua thành bụng. Sau ca mổ thứ ba, bé phải đeo bông để thấm nước tiểu. - Ngày 6-5-2015, bé Đức bước vào phẫu thuật lần thứ tư để tạo bàng quang. Vì sao mổ trễ? Việc mở bàng quang bằng ruột đều có thể gây biến chứng như rối loạn hấp thu, nguy cơ nhiễm trùng tiểu do ruột bài tiết chất nhầy. Ngoài ra còn có khả năng gây sỏi thận, ruột hấp thu ngược nước tiểu vào cơ thể gây rối loạn điện giải… Chính vì vậy các BS không làm phẫu thuật này khi bé Đức còn nhỏ. Phẫu thuật làm càng trễ càng tốt, khi bé đến tuổi đi học mới thực hiện vì tránh việc nước tiểu chảy dầm dề và giúp trẻ dễ hòa nhập. |