Ngày 10/2 khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và Chống độc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp uốn ván rất thương tâm. Bệnh nhi là bé Huỳnh Minh Phát (6 tuổi, người đồng bào Khơme ngụ tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Theo thông tin tư gia đình cho biết, cách đây một tháng bé Phát bị tai nạn giao thông, bàn chân trái của cháu bị một nhát cắt sâu.
Sau khi được chăm sóc vết thương tại bệnh xá địa phương, Phát được gia đình đón về nhà. Khi những vết thương trên cơ thể đã lành lặn trở lại, bất ngờ tối ngày 3/2, cậu bé lên cơn sốt, kinh hãi khi thấy cháu gồng cứng toàn thân, hàm cắn chặt… người nhà vội vã chuyển bệnh nhi đến bệnh viện Bạc Liêu cấp cứu. Tại đây cháu được đặt ống nội khí quản rồi chuyển lên TPHCM.
Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, qua thăm khám lâm sàng bác sĩ kết luận bệnh nhi bị uốn ván, ngay lập tức cháu được điều trị theo phác đồ. Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng bệnh vẫn chưa thuyên giảm, cậu bé có nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng bệnh viện. Tiên lượng của bác sĩ rất dè dặt.
Khai thác bệnh sử từ người nhà ghi nhận, bé Minh Phát chưa được chích ngừa uốn ván. Chị Sơn Thị Mỹ Phao (mẹ bệnh nhi) cho biết: “Gia đình ở vùng sâu nên không biết chích ngừa ra sao cả, bốn đứa con của vợ chồng tôi cứ mang thai rồi sinh chúng ở nhà chứ có đến bệnh viện lần nào đâu. Giờ thằng bé bệnh thế này chẳng biết có sống được không, chồng tôi đang về bán nhà để lo cho nó điều trị”.
Uốn ván là bệnh rất nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao. BS Nguyễn Thị Ngọc Bích, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết thời gian gần đây không chỉ trẻ em mà còn có rất nhiều người lớn mắc uốn ván phải nhập viện điều trị. Việc chích ngừa sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván. Người dân chỉ tốn vài chục nghìn đồng để tiêm vắc xin bảo vệ mình, trái lại nếu không đi chủng ngừa, khi mắc bệnh chi phí điều trị có thể phải tốn đến cả trăm triệu đồng nhưng chưa hẳn đã cứu được sinh mạng.
Theo phân tích của các bác sĩ, bệnh uốn ván thời gian gần đang tái phát trở lại, đối tượng chính của bệnh là người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do công tác tuyên truyền phòng bệnh của tuyến y tế cơ sở lơ là trong khi người dân không có điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Theo Vân Sơn (Dân trí)