Thời gian gần đây, Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân là người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) đến khám vì bệnh lý da, nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục và chỉnh sửa khuôn mặt sau chuyển giới.
Viêm da do hít thuốc kích dục
Mới đây, bệnh nhân NVH (25 tuổi, TP.HCM) hoang mang đến khám vì mụn trứng cá nặng. Bệnh nhân cho biết là người chuyển giới, tự tiêm hormone testosterone từ sáu tháng nay để cơ thể có đường nét nam tính hơn. Sau bốn tháng sử dụng, trên khuôn mặt và đặc biệt là lưng của bệnh nhân nổi rất nhiều nốt mụn. Các nốt mụn gây sưng, đau, nhiều nốt mưng mủ. Bệnh nhân được chẩn đoán mụn trứng cá là tác dụng phụ thường xuất hiện trong vòng 4-6 tháng sau sử dụng hormone testosterone. Bệnh có thể tự giảm sau 12 tháng. Trường hợp bệnh nhân bị mụn nặng nên được bác sĩ kê toa uống và bôi.
Một bệnh nhân khác, anh TTC (27 tuổi, ngụ Đồng Nai) đến khám với tình trạng phát ban dạng chàm quanh lỗ mũi và vùng miệng. Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho biết là người đồng tính nam. Khoảng một tháng trước, khi có biểu hiện bệnh, anh C. tìm hiểu trên mạng loại popper dạng hít giúp kích thích tình dục với bạn tình nên đặt mua và xài thử.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh “viêm da popper” và được kê thuốc điều trị viêm da tiếp xúc. Theo các bác sĩ, popper dạng hít là một loại thuốc kích thích tình dục có thành phần alkyl nitrite thường được bán trên mạng, giúp tăng hưng phấn, giãn cơ vòng hậu môn, quan hệ tốt hơn.
“Viêm da popper” có biểu hiện là phát ban dạng chàm quanh lỗ mũi, vùng miệng, má hay phần trên của ngực, có thể là viêm da dị ứng hay viêm da kích ứng do tiếp xúc amyl nitrite hay hỗn hợp chất tạo mùi. Sử dụng lâu dài có thể gây ra trắng da do hóa chất ở vùng quanh mũi, xanh tím đầu chi và methemoglobin (rối loạn máu). Khi sử dụng chất kích dục cùng lúc với thuốc ức chế phosphodiesterase-5 như sildenafil (Viagra) có thể gây hạ huyết áp trầm trọng, nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nhân thăm khám bệnh lây qua đường tình dục ở BV Da liễu TP.HCM. Ảnh: HL
Nhân viên y tế thiếu kiến thức về LGBT
Cộng đồng LGBT gặp nhiều rào cản liên quan đến y tế như nỗi lo ngại về sự kỳ thị, bác sĩ cho chỉ định điều trị không phù hợp do không quen thuộc với các bệnh lý liên quan đến LGBT.
Theo một nghiên cứu tiến hành khảo sát kiến thức, thái độ, hành vi của 150 nhân viên y tế ở Hà Nội và TP.HCM về nhóm nam giới quan hệ tình dục với nam giới (MSM) và người chuyển giới, có đến 50% nhân viên y tế cho rằng người chuyển giới mắc các vấn đề nội tiết có thể điều trị được và 45% cho rằng nhóm MSM chỉ quan hệ tình dục với nam giới. Đáng chú ý là 12,7% chỉ ra rằng nếu họ được chọn lựa, họ sẽ không muốn làm gì cho cộng đồng MSM và người chuyển giới.
So với những người nam quan hệ tình dục với nữ, MSM có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh nhiễm trùng như HIV và những bệnh lây qua đường tình dục khác, sarcoma kaposi, nhiễm herpes, nhiễm tụ cầu Staphylococcus aureus kháng methicillin, bệnh lý màng não xâm lấn và có nguy cơ cao mắc các bệnh không nhiễm khác như ung thư da.
Theo TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu TP.HCM, chăm sóc y tế cho cộng đồng LGBT là vấn đề mới nhưng đang ngày càng trở nên quen thuộc đối với bác sĩ da liễu. |
Một nghiên cứu tại TP.HCM cho thấy bên cạnh nguy cơ nhiễm HIV, có khoảng 1/5 người MSM mắc một trong ba bệnh lây qua đường tình dục là giang mai, chlamydia và lậu. Trong khi đó, nhóm nữ giới quan hệ tình dục với nữ giới (WSW) cũng có nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục. Rất ít người trong nhóm WSW sử dụng các biện pháp tình dục an toàn vì họ không có nguy cơ mang thai và tự cho rằng họ ít có nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Đáng lưu ý, phụ nữ có quan hệ với cả nam lẫn nữ có tỉ lệ mắc các bệnh lây qua đường tình dục cao hơn phụ nữ chỉ quan hệ với nam giới. Đáng lo ngại là nhóm WSW tin rằng họ ít cần tầm soát và tỉ lệ thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung cũng thấp.
Người chuyển giới đặc biệt là những người phải trải qua điều trị để xác định giới tính (sử dụng hormone và phẫu thuật) đòi hỏi sự chăm sóc y tế rất đặc biệt. Bác sĩ da liễu đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này bằng cách điều trị các tác dụng phụ ở da do hormone và phẫu thuật.
Một số trường hợp bệnh nhân tìm đến các dịch vụ tiêm chất làm đầy hay silicone bất hợp pháp vào mông, đùi, ngực, mặt và bắp chân. Biến chứng của việc tiêm không đúng kỹ thuật với những sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể rất nghiêm trọng, bao gồm u hạt do dị vật, nhiễm khuẩn lao không điển hình, chảy máu, đau, sẹo, loét, tạo đường dò, biến dạng, phù bạch huyết, di chuyển khối silicone, tạo huyết khối, nhiễm trùng huyết, viêm phổi quá mẫn và thậm chí tử vong.
Việt Nam có bao nhiêu người LGBT? LGBT là tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender). Về số lượng người chuyển giới, năm 2015, Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã nhận được gần 600 hồ sơ cá nhân đề xuất sửa đổi giới tính mới sau khi họ đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Việt Nam đang có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở độ tuổi 15-59. |