Sở dĩ gây được nhiều chú ý là do BN thứ 45 đã chủ động xin được cách ly tập trung.
Ngày 12-3, một nam thanh niên đã đến Trung tâm Y tế quận Tân Bình, TP.HCM (nơi cư ngụ) để thông báo tiền sử tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (BN) thứ 34. Trước đó (10-3), khi biết tin qua báo, đài về trường hợp mắc bệnh của BN 34, anh đã tự cách ly tại nhà. Hai ngày sau, thấy ngạt mũi, rát họng, anh đi khám và chủ động đề đạt nguyện vọng. Hiện tại, BN thứ 45 này đang được điều trị và sức khỏe ổn định.
So ra, nếu BN thứ 45 kịp thời hợp tác với ngành y tế để góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh thì hai BN thứ 17, 34 đã chưa làm được vậy. Với BN thứ 17, tuy đã có mặt ở Ý, là một điểm nóng về dịch nhưng chị đã không khai báo. Với BN thứ 34, dù thuộc trường hợp siêu lây nhiễm (hiện có chín người mắc bệnh có liên quan đến bà…) nhưng bà đã chưa nói hết số người đã tiếp xúc.
Từ ca bệnh 34, một đoạn đường Hoàng Văn Thụ (từ nhà 38 đến nhà 48) và đường Ngô Sĩ Liên (từ nhà 109 đến ngã ba giao nhau với đường Ngư Ông), phường Đức Thắng, TP Phan Thiết phải cách ly để đảm bảo an toàn. Ảnh: TỰ SANG
Từ ca bệnh thứ 45, để cái hay, dở không bị trộn lẫn, nhiều người đề nghị phải hài tên, đã “khai báo gian dối”, “trốn cách ly” thì phải phạt thiệt nặng. Thoạt nghe cũng có lý nhưng xem kỹ lại thì pháp luật hiện hành không cho phép tùy nghi công khai hay muốn phạt là phạt.
1. Về việc công khai danh tính người có nguy cơ lan truyền bệnh dịch.
Rất nhiều người mong muốn chính quyền công khai cụ thể hình ảnh, họ tên, địa chỉ những người có nguy cơ lây nhiễm cao để số đông biết đường mà đối phó. Song các cơ quan chức năng không thể thực hiện việc này vì có thể xâm phạm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được Bộ luật Dân sự quy định.
Cũng dựa trên quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cho phép BN được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Đồng thời, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm việc đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
Nếu mọi công dân đều ý thức tốt thì sự lây lan đã không khủng khiếp như thế này. Đồ hoạ: TRÍ VIỆT
2. Về việc xử lý người không khai báo đủ hành trình đi lại và số người đã tiếp xúc.
Về nguyên tắc, một người chỉ bị xem là có hành vi vi phạm pháp luật khi pháp luật có quy định hành vi đó là sai phạm và phải bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Đáng lưu ý, Nghị định 176/2013 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) không đề cập đến việc khai báo y tế không đầy đủ, không chính xác. Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A như COVID-19, nghị định này có xử phạt hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh hay che giấu hiện trạng bệnh của bản thân... Nghị định này cũng có xử phạt hành vi “từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh”.
BN thứ 17 quả là đã hành xử không đúng với yêu cầu của chính quyền khi không khai báo đủ hành trình đi lại để được giám sát y tế chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu muốn xử phạt chị này, cơ quan chức năng phải chứng minh chị có hành vi vi phạm Nghị định 176/2013 như đã đề cập ở trên.
Tương tự, tuy BN thứ 34 chưa khai báo đủ số người đã tiếp xúc nhưng nếu không có quy định thì cơ quan chức năng không thể phạt hành chính bà về thiếu sót này. Đặc biệt, nếu muốn xử lý hình sự người này thì cơ quan tố tụng phải chứng minh bà có lỗi cố ý khi “có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” như quy định của BLHS 2015.
Chưa rõ cách thức xây dựng luật thế nào, nhưng theo thông tin trên báo chí thì nhiều nước đã xử phạt được ngay hành vi cung cấp thông tin không chính xác về lịch sử đi lại hoặc không tự cách ly từ đầu. Chẳng hạn, tại Singapore, người có hành vi khai không đúng các nơi đã đến bị xem là vi phạm đạo luật về các bệnh truyền nhiễm. Mức phạt lên tới 10.000 đôla Singapore hoặc sáu tháng tù. Tại Israel, những người trở về từ Trung Quốc, Hong Kong, Macau, Singapore và Thái Lan... khi vi phạm yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày có thể bị phạt bảy năm tù (nếu cố ý) hoặc ba năm tù (nếu vô ý)…
Tới đây, luật pháp chúng ta ắt sớm phải được điều chỉnh để nghiêm trị được hết thảy trường hợp khai báo không rõ ràng có liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Ca bệnh thứ 45 tiếp tục nhắc mọi người phải chủ động, tích cực cộng tác với cơ quan y tế để không bị số đông phân biệt đối xử, người được thương, kẻ bị ghét. Và khi đó sẽ càng mau hết bệnh, hết dịch, hết những thiệt hại không tưởng tượng nổi từ đại dịch.