Con trai chị NTM (42 tuổi, ngụ Long An) bị bại não, động kinh, điều trị tại khoa Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) được khoảng 4 ngày thì xuất hiện các phát ban nên bác sĩ cho chuyển khoa Nhiễm cách ly, điều trị.
Nhiều ca sởi biến chứng nặng
“Bác sĩ nói thời gian ủ bệnh sởi từ 1-3 tuần, con tôi có thể đã nhiễm bệnh trước khi vô bệnh viện. Vì cháu đang có bệnh nền nên khi mắc sởi bị chuyển nặng, biến chứng viêm phổi phải thở máy đến 2 tuần” - chị M kể.
Hiện con chị đã cai thở máy, tiếp tục điều trị bệnh động kinh và viêm phổi tại khoa Nhiễm. Sắp tới hội chẩn khoa Thần kinh, nếu tình trạng ổn trẻ sẽ được xuất viện.
Con gái chị LTKA (37 tuổi, ngụ Đồng Nai) đang điều trị bệnh sởi tại phòng Hồi sức tích cực, khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1). Chị A cho biết vài ngày trước con chị có dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi. Tưởng chỉ sốt thông thường nên chị mua hạ sốt cho con uống nhưng không khỏi.
Sau đó tay chân trẻ bắt đầu nổi các nốt ban đỏ, chị A lo lắng nên đưa con lên thẳng bệnh viện ở TP.HCM. Bệnh chuyển nặng, trẻ phải thở ôxy lưu lượng cao. Hiện sức khỏe trẻ tiến triển tốt, tự thở, dự kiến xuất viện vài ngày tới.
Hầu hết chưa tiêm vaccine sởi
Mỗi ngày, khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) tiếp nhận điều trị nội trú trung bình 5-7 ca bệnh sởi. Tính đến ngày 25-7, tại khoa có khoảng 26 ca sởi, 6 ca trong số đó nặng phải thở ôxy, CPAP (thở áp lực dương liên tục).
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết hầu hết bệnh nhi ở tỉnh chuyển lên, chỉ có 3 ca sởi ở TP.HCM. Cùng kỳ năm ngoái khoa không có ca sởi nào, nhưng năm nay tình hình bệnh sởi tăng đều. Đặc biệt các ca mắc sởi hầu như chưa được tiêm ngừa, trong đó có một số trẻ có bệnh nền như thận, tim bẩm sinh…
Khi không tiêm ngừa, lúc trẻ mắc sởi sẽ có nhiều biến chứng, trong đó viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất. Những trẻ này phải nằm viện khá lâu, kéo dài khoảng 2 tuần, tốn kém chi phí điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết khoa Nhiễm đang điều trị 12 ca sởi, có 3 ca nặng biến chứng phải thở máy. Đa số ca bệnh ở tỉnh đến, đáng chú ý có đến 70% số ca không tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa Nhiễm, cho biết cùng kỳ năm ngoái khoa không có ca sởi nào. Năm nay số lượng bệnh nhân sởi có dấu hiệu tăng, đáng ngại là hầu hết chưa tiêm ngừa sởi do chưa đủ tuổi hay do có bệnh nền, không đủ điều kiện tiêm ngừa.
Nguy cơ sởi lây thành dịch mùa tựu trường
Bác sĩ Quy nhận định: “Sắp tới mùa tựu trường, lo ngại bệnh sởi ở TP.HCM sẽ tăng do nhóm trẻ chưa được tiêm ngừa vẫn còn rất nhiều. Khi đi học, những trẻ này sẽ dễ lây bệnh cho bạn cùng lớp, rồi trẻ mang mầm bệnh về lây cho người nhà... Tình hình bệnh sởi ở TP.HCM cứ tăng thì sẽ có nguy cơ lây lan thành dịch nếu chúng ta không đi trước một bước”.
Bệnh sởi tuy rất dễ lây lan nhưng không quá khó để điều trị, song đa số ca mắc sởi ở tỉnh lại dồn lên TP.HCM. Thực tế, các bệnh viện tỉnh có đủ máy móc, thuốc thang để điều trị các trường hợp mắc sởi, kể cả phải thở máy. Ngay cả tình huống nặng bệnh viện tỉnh cũng có thể hội chẩn online mà không cần chuyển lên tuyến trên.
Bác sĩ Quy lưu ý, khi trẻ mắc sởi phụ huynh ở tỉnh không nên đưa con lên TP.HCM, cứ an tâm đến bệnh viện tỉnh. Vì quá trình di chuyển bằng xe đò, xe khách sẽ tăng nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng.
Nhắc lại mùa sởi ở TP.HCM năm 2014, bác sĩ Quy cho hay ngành y tế đã phối hợp ngành giáo dục và có sự chung tay của người dân để rà soát bệnh sởi. “Hiện giờ bệnh sởi ở TP.HCM vẫn không có dấu hiệu giảm, ngành y tế cần có biện pháp giám sát bệnh sởi càng sớm càng tốt để mùa tựu trường sởi sẽ không lây lan thành dịch” – bác sĩ Quy nói.
Còn bác sĩ Qui (Bệnh viện Nhi đồng 2) nhận định thời gian tới có khả năng bệnh sởi ở TP.HCM sẽ tăng. Nếu dự phòng, điều trị và cách ly không tốt vẫn có nguy cơ lây lan thành dịch.
“Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ sẽ dễ chuyển nặng và có biến chứng. Bệnh sởi sợ nhất là biến chứng viêm phổi (thường gặp), kế đến là viêm kết mạc hay viêm loét giác mạc. Ngoài ra còn có biến chứng về thần kinh, viêm màng não hay viêm não do bệnh cảnh viêm sởi” - bác sĩ Qui khuyến cáo.
Theo đó, dấu hiệu nổi trội của bệnh sởi là phát ban. Khi mắc sởi, trẻ sẽ phát ban từ sau gáy, rồi lan ra phía mặt và lan đến các vị trí khác trên cơ thể như tay, chân... Đặc biệt, trẻ sẽ sốt cao (39-40 độ C) liên tục, không hạ trong quá trình phát ban, đồng thời có những biểu hiện chảy nước mũi, miệng, ho hay viêm kết mạc.
Nếu trẻ sốt 2-3 ngày kèm phát ban toàn thân, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm siêu vi phát ban thông thường hay mắc sởi giai đoạn đầu. Nếu trẻ có thêm các dấu hiệu khác như ho, sổ mũi, chảy nước mắt, viêm kết mạc, bác sĩ nên nghĩ ngay đến bệnh sởi. Đặc biệt lưu ý ở những trẻ chưa được tiêm ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lúc 18 tháng tuổi.
Phòng ngừa lây lan bệnh sởi ở TP.HCM
Nếu phát hiện con trẻ vừa bị sốt phát ban, cần hạn chế không cho tiếp xúc với những trẻ khác. Tốt nhất nên cho con ở nhà để cách ly, theo dõi. Một đến hai ngày mà phát ban ngày càng tăng kèm theo ho, sổ mũi, cần đưa trẻ đi khám ngay để chẩn đoán đúng bệnh.
Nên giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và giữ vệ sinh môi trường, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ho, người bệnh. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay, mang khẩu trang để tránh lây lan bệnh.
Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm đủ hai mũi vaccine sởi theo lịch khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng mở rộng:
- Mũi 1: 9 tháng tuổi (vaccine sởi)
- Mũi 2: 18 tháng tuổi (vaccine sởi - rubella)
BS CKII NGUYỄN MINH TIẾN - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM