Bệnh viện có thể linh động trả lại tinh trùng?

Câu chuyện bà Vòng Ngọc Huyền (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) đang tìm mọi cách lấy lại tinh trùng của con trai tên TĐT (vừa qua đời) để có đứa cháu nội an ủi tuổi già, khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Theo đó trước khi mất, con trai bà Huyền đã gửi tinh trùng trong bệnh viện. Bây giờ, bà Huyền muốn lấy tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm với vợ (chưa đăng ký kết hôn) của người con ấy.

Đang có nhiều tranh cãi pháp lý quanh vấn đề xác định tinh trùng có phải là di sản thừa kế hay không. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng phía bệnh viện nên linh động trả lại tinh trùng cho gia đình bà Huyền.

Bà Huyền mong mỏi được nhận tinh trùng của con trai để con dâu thụ tinh trong ống nghiệm để có cháu. Ảnh: HY

Có thể xin ý kiến Bộ Y tế để trả lại cho gia đình

Luật sư Nguyễn Văn Nhàn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng theo Điều 105 BLDS 2015 quy định tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Trong trường hợp này, tinh trùng đương nhiên không phải vật, tiền, giấy tờ có giá, vậy chỉ còn một trường hợp là quyền tài sản.

Theo quy định tại Điều 115 BLDS thì quyền tài sản là quyền được trị giá bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Như vậy để được coi là di sản để phân chia thừa kế thì đồng nghĩa với việc vật đó phải là tài sản. Như phân tích ở trên có thể thấy tinh trùng không được xem là tài sản để bà Huyền nhận theo diện thừa kế thứ nhất của con trai bà. Do đó, bệnh viện không cho bà Huyền nhận lại tinh trùng là đúng quy định của pháp luật.

"Tuy nhiên theo tôi, nếu xét về góc độ nhân đạo thì bệnh viện có thể xin ý kiến của cơ quan chủ quản hoặc Bộ Y tế để có thể trả lại tinh trùng cho gia đình bà Huyền.

Bởi vì con trai bà không may qua đời, gia đình rất mong muốn có một đứa cháu, đây là nguyện vọng chính đáng. Thậm chí gia đình này còn có hoàn cảnh đáng thương thì phía bệnh viện nên linh động giải quyết cho gia đình" - luật sư Nhàn nói.

Người vợ khó xin tinh trùng đích danh của chồng

Luật sư Từ Tiến Đạt (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm, trường hợp này về pháp lý khoản 2 Điều 21 Nghị định 10/2015/NĐ-CP (sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ về mục đích nhân đạo) quy định khá rõ.

Theo đó, khi người gửi tinh trùng, noãn, phôi không may bị chết, cơ sở lưu giữ các mẫu này vẫn giữ lại. Vợ hoặc chồng của người đó có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản. Ở đây do chị D. không phải là vợ hợp pháp của anh T. nên chị không được đề nghị bệnh viện lưu giữ số tinh trùng trên.

Cạnh đó, theo khoản 3 Nghị định 10/2015 nêu trên quy định về nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì việc cho và nhận tinh trùng được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận.

Luật sư Đạt cho rằng khoản 1 Điều 5 nghị định này cũng quy định người nhận tinh trùng là người phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con. Như vậy, chị D. hiện đang là phụ nữ độc thân nên theo quy định, chị D. có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách nhận tinh trùng của người khác trên nguyên tắc vô danh chứ không thể sử dụng tinh trùng của anh T. để thụ tinh được. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm