BHXH TP.HCM giải đáp chính sách về người lao động

(PLO)- VssID cập nhật thiếu quá trình tham gia BHXH; gặp nạn trên đường đi làm có được xem là tai nạn lao động… là những thắc mắc được cơ quan BHXH giải đáp tại buổi đối thoại với doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-8, cơ quan BHXH TP.HCM đã tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Tại buổi đối thoại, đại diện cơ quan BHXH TP đã nêu những điểm mới được quy định tại Quyết định 490 về quy trình thu; quản lý sổ, thẻ BHYT, BHXH do BHXH Việt Nam ban hành.

Tại đây, một số DN cũng đã thay mặt người lao động (NLĐ) nêu những thắc mắc trong quá trình đóng BHXH, BHYT...

Mức đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cao nhất

Tại buổi đối thoại, bà Tô Thị Thanh Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý thu - sổ, thẻ thuộc cơ quan BHXH TP.HCM, cho biết đối với những quy định tại Quyết định 490, theo quy định hiện nay thì đối với NLĐ có hai hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì sẽ đóng các khoản bảo hiểm khác nhau.

Cụ thể: NLĐ sẽ đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hợp đồng giao kết đầu tiên; đóng BHYT theo hợp đồng có mức tiền lương cao nhất; đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng đã được giao kết.

NLĐ nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày trở lên sẽ không đóng BHXH. Đối với NLĐ ngưng việc theo quy định, mà vẫn được đơn vị trả tiền lương thì NLĐ và đơn vị thực hiện đóng các khoản bảo hiểm theo tiền lương NLĐ được hưởng trong thời gian ngưng việc.

Bà Tô Thị Thanh Hà cho biết thêm theo quy định thì tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH hiện nay bao gồm mức lương ghi trên hợp đồng, các mức phụ cấp lương. Ngoài ra, tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ sẽ không bao gồm các chế độ phúc lợi như tiền thưởng sáng kiến, tiền hỗ trợ nhà ở, tiền xăng xe…

Đại diện một doanh nghiệp phát biểu những thắc mắc đến cơ quan BHXH TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Đại diện một doanh nghiệp phát biểu những thắc mắc đến cơ quan BHXH TP.HCM.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nếu mức tiền lương của NLĐ cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp bằng 20 tháng lương cơ sở (hiện tại là 36 triệu đồng/tháng). Trường hợp mức tiền lương tháng của NLĐ cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng (93,6 triệu đồng tại vùng I; 83,2 triệu đồng tại vùng II…)

Cũng theo bà Hà, đối với trường hợp đơn vị chậm đóng BHYT cho NLĐ từ 30 ngày trở lên, nếu NLĐ đi khám chữa bệnh thì đơn vị phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ. Ngoài ra, đơn vị phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng…

“Hiện nay, cơ quan BHXH chỉ cấp mới, gia hạn giá trị, điều chỉnh thông tin trên thẻ BHYT trên cơ sở dữ liệu quản lý, không thực hiện in thẻ mới. Người tham gia BHYT có thể sử dụng hình ảnh thẻ trên ứng dụng VssID hoặc CCCD gắn chip để đăng ký khám chữa bệnh” - bà Hà thông tin thêm.

Gặp tai nạn trên đường đi làmphải là tai nạn lao động?

Tại buổi đối thoại, một đại diện DN thắc mắc tại đơn vị có trường hợp NLĐ bị tai nạn trên đường đến công ty làm việc. Tình huống này có được xem là tai nạn lao động không và có cần biên bản hiện trường của CSGT về vụ tai nạn?

Một đại diện cơ quan BHXH TP.HCM giải đáp Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động có quy định NLĐ tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động, nếu gặp trường hợp bị tai nạn trên tuyến đường từ nơi ở đến nơi làm việc. Hoặc bị tai nạn từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý, suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn...

Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động cần có biên bản điều tra tai nạn lao động. Với trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông có xác nhận của CSGT hoặc địa phương nơi xảy ra tai nạn…

Ngoài ra, có ý kiến thắc mắc tại sao mức đóng BHYT của NLĐ lại khác với mức đóng của người tham gia theo hộ gia đình. Cụ thể, mức đóng của NLĐ sẽ dựa theo lương tháng còn mức đóng của người tham gia hộ gia đình theo mức lương cơ sở.

Liên quan đến vấn đề này, một đại diện BHXH TP.HCM cho biết sẽ tiếp thu và có ý kiến trong những lần họp về sửa đổi Luật BHYT sắp tới.

Ứng dụng VssID cập nhật thiếu quá trình đóng BHXH

Tại hội nghị, một số DN thắc mắc vì sao hiện nay có trường hợp VssID cập nhật quá trình tham gia BHXH còn thiếu.

Một đại diện cơ quan BHXH TP.HCM cho biết có thể NLĐ làm việc ở nhiều đơn vị nhưng đơn vị chưa chốt sổ cho NLĐ nên hệ thống dữ liệu cũng chưa thể cập nhật được.

Trong quá trình tham gia BHXH, nếu NLĐ kiểm tra và thấy VssID chưa cập nhật quá trình tham gia BHXH đầy đủ, NLĐ có thể phản hồi cho cơ quan BHXH nơi tham gia sau cùng để tiếp nhận và xử lý.

Ngoài ra, người tham gia BHXH có thể liên hệ số điện thoại của văn phòng BHXH TP.HCM hoặc tổng đài chăm sóc khách hàng của BHXH Việt Nam qua số 1900 9068 để được hỗ trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm