Số là trong một vụ án hình sự ở tỉnh B. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tòa án đã thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang tạm giam đối với một bị cáo vì tòa triệu tập nhưng bị cáo không có mặt.
Bị cáo cho rằng mình bị tạm giam “oan” vì trong quyết định ngăn chặn trước đó, cơ quan tố tụng chỉ ghi là “cấm đi khỏi nơi cư trú” và bị cáo không vi phạm việc cấm này. Bởi lẽ trước khi phạm tội, bị cáo sống với bà ngoại và có đăng ký tạm trú. Trong thời gian chờ tòa xét xử, bị cáo về nơi thường trú ở với cha mẹ. Khi tòa án gửi giấy triệu tập về nơi tạm trú của bị cáo, chính quyền địa phương gửi trả giấy triệu tập cho tòa và cho biết: Bị cáo không còn ở nơi tạm trú, đi đâu thì địa phương không biết. Căn cứ vào trả lời của chính quyền địa phương, tòa án ra lệnh bắt tạm giam bị cáo và yêu cầu công an truy nã. Biết mình bị truy nã, bị cáo đã đến trình diện tại công an và khai mình không bỏ trốn, công an ra lệnh truy nã là “oan”.
Trường hợp trên không phải là trường hợp cá biệt mà nhiều nơi cũng xảy ra tương tự; không chỉ đối với bị can, bị cáo mà đối với những người tham gia tố tụng khác cũng vậy, lúc thì ở nơi tạm trú, lúc ở nơi thường trú nên không ít trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng gửi các quyết định, giấy triệu tập không đến người nhận gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Nhiều trường hợp chỉ vì người tham gia tố tụng không nhận được giấy triệu tập của tòa án nhưng tòa án vẫn xét xử vắng mặt họ nên bản án bị sửa, bị hủy.
Vậy hiểu thế nào về cư trú, thường trú và tạm trú?
Luật định nghĩa: Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và được cơ quan nhà nước cấp sổ hộ khẩu. Còn nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
Nhiều trường hợp nơi thường trú và nơi tạm trú ở các địa phương khác nhau, cách nhau hàng trăm cây số nên việc xác định nơi cư trú người tham gia tố tụng không hề dễ.
Trong vụ án trên, cơ quan tố tụng chỉ ghi “cấm đi khỏi nơi cư trú” với bị cáo nên bị cáo từ nơi tạm trú về nơi thường trú không bị coi là vi phạm, vì nơi thường trú cũng là nơi cư trú. Việc tòa án căn cứ vào báo cáo của chính quyền địa phương để cho rằng bị cáo đã vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú để thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tại ngoại sang tạm giam là không chặt chẽ về pháp luật.
Để tránh sai lầm như trường hợp đối với bị cáo nêu trên, đồng thời bảo đảm việc tống đạt các quyết định, giấy triệu tập đến tay người tham gia tố tụng, thiết nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương cần có hướng dẫn về việc xác định nơi cư trú đối với người tham gia tố tụng và cách viết trong các quyết định, giấy triệu tập. Ví dụ, phải viết rõ cấm đi khỏi nơi tạm trú hay nơi thường trú, nơi đó thuộc xã, huyện, tỉnh nào. Khi tống đạt các quyết định, cũng như giấy triệu tập cho người tham gia tố tụng cần phải gửi về đâu và phản hồi thế nào.
Chuyện nhỏ nhưng đôi khi gây hậu quả lớn nếu không có hướng dẫn thống nhất.
ĐINH VĂN QUẾ