Cụ thể, chiều 23-7, ông Phan Linh Phương, Giám đốc marketing của Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (quận 1, TP.HCM), khẳng định đơn vị này không nợ thuế. Đồng thời DN này đã gửi công văn cho Chi cục Thuế quận 1 (TP.HCM), Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để phản ánh và được Chi cục Thuế quận 1 cho biết do hệ thống phần mềm có trục trặc nên báo con số thuế đến trên 83 tỉ đồng trong khi Nguyễn Kim không nợ thuế. Chi cục hứa sẽ báo cáo với Bộ Tài chính để có phản hồi đính chính lại cho DN.
Ngay sáng 23-7, Nguyễn Kim và Chi cục Thuế quận 1 đã cùng đối chiếu số liệu giữa chứng từ và hệ thống, xác nhận bằng biên bản là DN này “không nợ tiền thuế”.
Tuy nhiên, Nguyễn Kim cho rằng việc thông tin sai lệch về DN có nợ thuế mà lại nợ “khủng” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và thương hiệu của Nguyễn Kim, do vậy cần phải được đính chính.
Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần Thế giới di động (quận 1) khẳng định bị hệ thống thuế báo nợ gần 12 tỉ đồng trong khi không có nợ thực. “Chúng tôi đã phản ánh với Chi cục Thuế quận 1 và cũng đã được xác nhận không nợ thuế” - đại diện công ty này cho biết.
Cũng nằm trong danh sách nợ thuế “khủng” nêu trên, đại diện một hãng xe có tiếng tại TP.HCM phủ nhận khoản nợ, cho rằng có nhầm lẫn.
Ông Lê Xuân Dương, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận có một số trường hợp DN bị báo nợ dù không có nợ là do lỗi phần mềm, xảy ra ở Chi cục Thuế quận 1 chứ các chi cục khác không bị lỗi phần mềm.
Ông cũng cho biết trong số 200 DN bị “bêu tên”, có nhiều DN nợ kéo dài vài năm nay, hiện đã bỏ khỏi trụ sở, “chết” hoặc lâm vào cảnh khó khăn, chỉ hoạt động cầm chừng, không có tiền để nộp thuế. Có nhiều DN bất động sản dù vẫn đang có dự án nhưng đình trệ, rất khó khăn, không trả nổi nợ thuế.
“Nhiều DN mang nợ là do kinh tế khó khăn, tức do khách quan. Do vậy có bêu tên đi nữa thì cũng không thu được thuế nhưng việc bêu tên lần này là để răn đe các DN khác đừng nợ thuế” - ông Dương nêu quan điểm.
QUỲNH NHƯ