Ngày 23- 8, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại dự án khu dân cư thương mại Phước Thái rộng gần 9ha tại phường Tam Phước (TP Biên Hòa, Đồng Nai).
Trong số 13 bị cáo phải hầu tòa có 11 người là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc các sở, ngành, địa phương: Lê Viết Hưng, cựu giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai; Nguyễn Tấn Long – cựu phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa; Nguyễn Tấn Tài, cựu giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh - Chi nhánh TP Biên Hòa...
Bị cáo Lê Viết Hưng bị đưa ra xét xử về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Các bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về tội vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo hồ sơ, năm 2009 Thủ tướng ký quyết định cho công ty liên doanh Hoàng Hưng Ceramics thuê gần 9ha đất công tại xã Tam Phước (TP Biên Hòa) để xây dựng nhà máy. Nhưng dự án không được thực hiện UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi giấy phép đầu tư. Sau đó, phía công ty liên doanh để cho Công ty cổ phần May - Xây dựng Huy Hoàng (viết tắt công ty Huy Hoàng) toàn quyền sử dụng đất.
Năm 2015, công ty Huy Hoàng đã ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất này với với Trương Quốc Tuấn là giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Phước Thái (Công ty Phước Thái) số tiền hơn 35 tỉ đồng. Tuấn liền gửi công văn lên UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất sang khu dân cư thương mại.
Để hợp thức hóa, Tuấn đề nghị bên chuyển nhượng có văn bản đề nghị UBND tỉnh yêu cầu phía Huy Hoàng ký biên bản bàn giao đất cho Nguyễn Hữu Thành (em Tuấn) và đề nghị công ty gửi văn bản lên UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, chấp thuận để giao đất cho Thành quản lý đứng tên chủ sở hữu khu đất trên để nhận tiền bồi thường khi giải tỏa làm dự án khu dân cư gây thiệt hại cho Nhà nước gần 79 tỉ đồng.
Các bị cáo tại tòa. |
Tại phần xét hỏi, Nguyễn Tấn Tài, cựu giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh - Chi nhánh TP Biên Hòa cho biết, sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND TP Biên Hòa về chủ trương đầu tư khu thương mại Phước Thái, Trung tâm nhận thấy giấy xác nhận của UBND xã Tam Phước cho ông Thành nhận bồi thường chưa đúng đối tượng và công ty Huy Hoàng giao đất cho ông Thành cũng không đúng thẩm quyền.
“Thấy vậy bị cáo điện ông Long là Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa biết sự việc và xin ý kiến chỉ đạo. Lúc này ông Long nói rà soát kỹ, dựa vào các văn bản của Sở TNMT và của UBND tỉnh về chỉ đạo hướng dẫn cho ông Thành lập thủ tục cấp giấy để bồi thường. Sau đó bị cáo nói hai cán bộ cấp dưới lập hồ sơ bồi thường nhưng bồi thường sai đối tượng nên đã không ký vào hồ sơ”, bị cáo Tài khai.
Bị cáo Tài còn giải thích thêm, sau đó Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh Biên Hòa có văn bản gửi sang Trung tâm trả lời ông Thành đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đề nghị Trung tâm hỗ trợ theo quy định.
Khi HĐXX hỏi về việc bị cáo có chịu sự áp lực chỉ đạo từ ai không? Bị cáo Tài cho biết: “Trong một buổi sáng khi ăn sáng tại quán Sen Vàng, anh Long - Phó Chủ tịch TP Biên Hòa có gọi bị cáo ra ngoài đưa tôi điện thoại nói chuyện với ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh. Lúc này anh Thái nói bị cáo phải thực hiện bồi thường cho ông Thành, nếu không làm thì nghỉ. Vì vậy từ áp lực đó buộc bị cáo phải chỉ đạo cấp dưới lập phương án bồi thường”.
Tuy nhiên trong hồ sơ vụ án, ông Đinh Quốc Thái cũng không thừa nhận. Do đó cơ quan công an không có căn cứ để xem xét xử lý ông Thái đồng phạm trong vụ án.
Ngoài ra, bị cáo Tài còn khai, sau đó Trương Quốc Tuấn có 2 lần đến phòng làm việc bị cáo nói: “Mấy sếp trên tỉnh đã đồng ý thì anh giúp thực hiện dự án”. Nói xong Tuấn hai lần bỏ phong bì trên bàn làm việc của bị cáo với tổng số tiền 100 triệu đồng rồi đi ra. Bị cáo mở phong bì và thấy số tiền 50 triệu đồng, bị cáo cất trong tủ. Hiện số tiền hai lần Tài nhận từ Tuấn cơ quan công an đang tạm giữ.
Tuy nhiên trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa bị cáo Tuấn khẳng định không đưa tiền cho Tài.