Đàn bò vừa mới “phạt” được của nhà trai tại nhà H’Duong - Ảnh: Bá Dũng |
Thương con gái đã lớn, lại muốn có thêm đàn ông về trong nhà cho ấm cúng, hôm ấy cả gia đình H’Đưyt mặc quần áo truyền thống, dàn hàng dọc đi qua buôn Ji Rông “bắt” Nay Blang. Thế nhưng vừa đi vào vấn đề thì bố mẹ của Blang đã ra giá: hai con bò sống, hai con heo, quần áo truyền thống và kèm theo 30 triệu đồng nạp cho nhà trai mới đưa được Blang về ở rể.
“Nghèo mà thách cưới cao quá”
Ở nhiều buôn làng của người Ja Rai trên Tây nguyên, câu chuyện thách cưới - vốn là một phong tục đẹp - nay đang trở thành gánh nặng đối với các cô gái trẻ. Theo phong tục truyền thống của người Ja Rai, con gái - con trai sau khi đã ưng cái bụng, hai bên gia đình đồng ý thì đi tới tìm hiểu giữa hai gia đình và đặt vấn đề thách cưới. Chú rể càng giàu có, học thức cao, làm cán bộ, thầy giáo hay thậm chí... nặng cân thì càng có giá.
H’Đưyt kể về chuyện mình đi “bắt” chồng: “Nhà người ta chê mình nghèo, chê mình xấu rồi mà. Có thèm lấy đâu nên đòi thách cưới cho cao vậy đó”. Mẹ của H’Đưyt thở dài: “Tục lệ là thế nhưng cũng phải thông cảm cho mình chớ. Có phải gia cảnh ai cũng như nhau đâu. Nhà nghèo thì phải thách cưới thấp hơn chớ!”.
Nhà H’Đưyt ở buôn Jú (xã Krông Năng, huyện Krông Pa, Gia Lai). Bố H’Đưyt mất sớm, một mình mẹ nuôi tám con khôn lớn. H’Đưyt là con thứ năm trong nhà. Năm nay H’Đưyt bước qua tuổi 18, thường đỏ mặt khi gặp con trai, bắt đầu biết chải tóc thơm và tô son môi được hơn một năm.
Cũng vì phổng phao, đầy đặn mà có người tán tỉnh. Những đêm trăng đầu làng, nhiều lần gặp gỡ rồi uống rượu cần, H’Đưyt ưng bụng Blang ở làng bên khi nào chẳng hay. Ban đầu Blang và H’Đưyt còn đi chung với đám bạn, sau tách ra hẹn hò nhau đầu suối.
Đêm dưới trăng, Blang nắm lấy tay H’Đưyt thề hẹn: “Anh yêu em. Chúng mình làm đám cưới đi”. H’Đưyt cúi mặt, cắn môi: “Thật không? Nhà em nghèo thì anh vẫn yêu chứ?”. Blang quả quyết: “Anh thề. Có trời có đất chứng giám. Anh sẽ thuyết phục cha mẹ cho em qua bắt chồng”.
Sau nhiều lần nhắn tin qua lại, đầu tháng 3-2015 lúc nương rẫy đang rảnh, rượu cần trong nhà gỗ đang đầy, người làng đang say nên H’Đưyt về nói với mẹ đi qua nhà Blang bắt chồng.
Mẹ H’Đưyt thở dài: “Sau khi nhà Blang thách cưới, hai mẹ con im lặng nhìn nhau rồi xin về suy nghĩ. Chồng mình chết sớm, mình nuôi con đến nay chứ lấy đâu ra bò mà đi nạp. Mình không có nạp thì chỉ biết tự buồn chứ biết sao”.
Chủ tịch Mặt trận xã Krông Năng Ksor Lía kể lại: “Mấy buổi chiều đi làm về tôi thấy mẹ H’Đưyt qua nhà như muốn nói gì đó rồi lại về. Tôi qua nhà hỏi mới biết bà muốn hỏi mượn của tôi hai con bò để đi bắt chồng cho con gái. Nhưng giờ hình như bỏ cuộc rồi”.
Sau vụ bắt chồng không thành, H’Đưyt trở về với nương rẫy, với nỗi buồn rười rượi của thuở đầu yêu đương trắc trở. Hỏi còn nhớ, còn thương, còn yêu Blang không, H’Đưyt ngúng nguẩy: “Không biết!”. Thế còn nhắn tin cho nhau nữa không? H’Đưyt chúi vào chiếc điện thoại: “Có nhắn. Mình hỏi sao bữa trước nói yêu lắm mà lại nghe theo bố mẹ? Nó trả lời tại gia đình nó không cho nên nó không biết làm thế nào. Nó không thật lòng với mình. Nó là con vịt xấu xí rồi”.
Phạt vạ
Ở các ngôi làng Ja Rai tại huyện Krông Pa, phạt vạ đang trở thành một nỗi ám ảnh khiến nhiều đôi trai gái khó thành đôi lứa. Ông Nay Ju - phó chủ tịch Mặt trận xã Ia Rmok - nói: “Thách cưới nhiều nhất vùng này là ở xã Krông Năng vì ở đó dân giàu, có nhiều trâu bò. Con gái ở làng khác yêu con trai ở Krông Năng thì bị thách cưới cao, chịu không nổi đâu. Cũng vì chuyện thách cưới quá cao mà nhiều cặp vợ chồng sau khi về ở với nhau được một thời gian, người chồng chỉ chăm uống rượu, ít lên nương đã bị gia đình nhà gái phạt tơi bời đến đổ nợ.
Cạnh nhà dài của mí H’Duong ở buôn Blak (xã Ia Rmok) cả tuần nay bò giẫm nát vườn, chuồng lúc nào cũng kín bò. Chỉ mấy tuần trước mí H’Duong nghèo lắm, ít đất đai, bò chỉ được hai con. Mí H’Duong vừa dắt bò đi ăn vừa cười: “Bò của người ta mà nhà mình đi bắt về đấy, bò nạp phạt vì chồng của con H’Duong không chịu làm ăn, suốt ngày uống rượu”.
Kpă H’Duong - con gái của mí H’Duong - cho biết cô và Ksor Luka ở xã Chư Đrăng lấy nhau đến nay được hơn hai năm. Thời gian đầu Luka thương vợ, chịu khó làm lụng. Hai vợ chồng sinh được một đứa con thì Luka sinh hư, suốt ngày say rượu. Vợ la, Ksor Luka không sửa mà bỏ về nhà mẹ đẻ. Mỗi lần bỏ về, H’Duong lại phải mất công qua nhà bắt về lại. Về được vài bữa lại đi.
Chịu hết nổi, đầu năm nay cả nhà H’Duong phải qua nhà mẹ đẻ của Luka nói chuyện. Luka hứa sẽ không vậy nữa, bố mẹ cũng viết cam kết nếu Luka không sửa tính nết sẽ phạt 30 con bò. Tưởng đâu chịu sửa đổi, về với con được vài tuần Luka lại say. Lần này nhà H’Duong không tha nữa. Luka vừa về nhà mẹ đẻ cũng là lúc mấy chục người nhà H’Duong qua đi thẳng vào chuồng bò dắt đúng 30 con bò về.
Không biết làm sao, nhà Luka phải cầu cứu lãnh đạo xã. Công an huyện nắm bắt sự việc cũng có mặt. Giảng hòa không thành, cả cán bộ xã lẫn công an cũng bó tay vì gia đình H’Duong đưa ra bản cam kết “sẽ đền 30 con bò nếu Luka tái phạm”. Giằng co mãi, cuối cùng nhà H’Duong đồng ý giảm từ 30 con còn 15 con.
Hỏi vì sao lại phạt người ta tới mấy chục con bò, mẹ H’Duong thật thà: “Nó bỏ vợ bỏ con, giờ mình nuôi con thì nó phải đền bò chứ. Hồi xưa con mình đi bắt thì nhà Luka cũng bắt nạp bò, rượu ghè nhiều nên giờ phải... lấy lại”.
Không chỉ phạt vì... thách cưới, có nhiều câu chuyện lạ lùng hơn ở các ngôi làng Ja Rai khi trai gái yêu đương bị hàng rào phong tục ngăn cách. Ksor Leng và Nay H’Beck ở buôn Tang (xã Krông Năng) yêu nhau rồi không giữ được đã “bắt cái nước” (quan hệ tình dục).
Khi Ksor Leng bắt xe xuống TP.HCM làm công nhân cũng là lúc miệng của H’Beck bắt đầu cảm thấy lợn cợn trong cổ họng. Nôn oẹ liên tục. Cái bụng lớn lên dưới tấm áo. Biết đã “lên ruộng” (có bầu), nhà H’Beck gọi Leng về rồi chọn ngày qua nhà Ksor Leng bắt chồng trước khi bụng quá to.
Nhưng đời nhiều khi lắm éo le, Ksor Leng còn muốn vui chơi nên khi thấy gia đình người yêu kéo đến đã lên tiếng thách cưới tới... tám con bò.
Choáng váng vì bị làm khó, nhà H’Beck trở về hội ý. Hôm sau mỗi người dắt theo một con bò kéo thành hàng dài đúng tám người. Nhà H’Beck biết rõ bên nhà trai làm khó nên muốn “chơi tới bến”, nhà không có đủ tám con thì anh em mỗi người một con góp lại kéo đến nhà trai. Khi nhà gái thấy Leng cố tình xù cưới bèn kéo cả làng qua phạt vạ.
Cán bộ xã Krông Năng biết chuyện nên cho người xuống, đưa cả bò cả người về sân ủy ban xã để phân xử.
Sau khi nghe cán bộ tư pháp phân tích, cả hai bên gia đình đã đồng ý với cách giải quyết: Ksor Leng không giữ lời, làm cho con gái người ta “lên ruộng” nên theo phong tục phải chịu phạt bốn con bò, ngoài ra phải nạp bò chết, đập heo, mua rượu ghè để giảng hòa.
Chị Ksor H’Uyn - phó chủ tịch Mặt trận xã Krông Năng - nói không phải cô gái nào khi bị thách cưới cao cũng “từ bỏ cuộc chơi”, mà nhiều cô gái vì quá yêu hoặc đã lỡ “bắt cái nước” với người yêu và lòng tự trọng cao nên quyết theo tới cùng dù bị thách cưới cao ngất ngưởng. Hầu hết trường hợp này sau khi lấy được chồng đều phải còng lưng trả nợ, trả bò đã vay mượn lúc bắt chồng. H’Uyn cũng tiết lộ khá bất ngờ: “Mình hồi xưa cũng bắt chồng, phải bị thách cưới cao nhưng giờ trả hết rồi”. |
Việc thách cưới là phong tục của ông bà để lại, để con trai con gái “mang nợ” với nhau rồi sau khi lấy nhau về sống cho có trách nhiệm, lo chăm chỉ làm ăn. Nhưng việc thách cưới ngày xưa khác bây giờ, toàn tính bằng bò. Mình đi xử bao nhiêu vụ rồi nhưng thấy rất khó -Chủ tịch Mặt trận xã Krông Năng (huyện Krông Pa, Gia Lai) KSor Lía |