Toán là một trong những môn bắt buộc nằm trong kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM, diễn ra vào ngày 7- 6 tới đây.
Trong giai đoạn “chạy nước rút” ôn thi vào lớp 10, các nhà giáo nhiều kinh nghiệm đã chia sẻ bí quyết làm bài môn Toán để đạt điểm cao.
Nắm chắc các dạng toán thực tế
Thầy Lê Phú Hải, cựu giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Gò Vấp, người có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 cho biết đề toán gồm tám bài. Trong đó, bài 1 là toán đồ thị; bài 2 là hệ thức Vi-et ở mức độ nhận biết - thông hiểu; năm bài tiếp theo là dạng toán thực tế và cuối cùng phần hình học.
Thầy Hải cho biết HS thường “ngại” khi gặp các bài toán thực tế. Bởi nếu không đọc kỹ đề, xác định rõ dữ liệu cần, biết được dạng toán thì các em sẽ bị rối.
Do đó để làm được toán thực tế, HS phải đọc kỹ đề, hiểu được yêu cầu của đề, lược bỏ những thông tin không cần thiết, gạch chân và tập trung vào dữ liệu quan trọng để có thể xác định được dạng bài, từ đó vận dụng công thức để giải quyết.
Với phần hình học thường có ba câu, trong đó câu a rất dễ lấy điểm. Câu b và c thường để phân loại HS.
Nhưng câu trong đề thi dễ lấy điểm
“Môn toán không khó để lấy điểm 5. Bởi trong đề thi, các câu hỏi được ra ở mức độ từ khó đến dễ. Trong đó có những câu HS dễ có điểm như bài toán đồ thị, hệ thức Vi-et, bài đầu tiên của toán thực tế và câu a của phần hình học. Do đó, các em phải nắm chắc kiến thức, làm bài cẩn thận, tính toán kỹ lưỡng để tránh những lỗi sai đáng tiếc” – thầy Hải khuyên.
Thầy Võ Thanh Quan, Tổ trưởng tổ Toán, Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12) nhận định: “Môn Toán thường là môn khó nhằn đối với HS, đặc biệt là các bài toán thực tế. Đa số HS không định hướng được toán thực tế nên không có khả năng phân tích đề, lệ thuộc nhiều vào máy tính nên khả năng suy luận yếu. Vì thế khi thấy đề dài, không đọc kỹ các em sẽ bỏ qua nên dễ bị mất điểm".
Cũng theo thầy Quan, Toán thực tế thường gồm các dạng như xác định hàm số (theo lời văn hoặc đồ thị), các vấn đề mua bán (giảm giá, lãi suất), dạng toán hình học không gian, giải toán lập hệ phương trình, để làm tốt các dạng bài này, HS cần phải đọc thật kỹ đề, xác định các dữ liệu liên quan quan trọng, đưa ra cách thực hiện.
Các bài toán bằng cách xác định hàm số, giải toán bằng cách lập hệ phương trình là những bài thường gặp.
Chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, kỳ thi vào lớp 10 được tổ chức tại 158 điểm thi, gồm 147 điểm thi vào lớp 10 thường và 11 điểm thi vào lớp 10 chuyên.
Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, Sở GD&ĐT TP.HCM huy động 13.539 giáo viên làm cán bộ coi thi và 2.370 nhân viên, bảo vệ, công an… làm nhiệm vụ tại các điểm thi.
Năm học 2024-2025, TP.HCM chỉ có 98.681/114.933 học sinh lớp 9 đăng ký thi vào lớp 10. Như vậy, có 16.252 học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 năm nay. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 là 77.355 học sinh.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nội dung kiến thức trong đề thi vào lớp 10 năm 2024 nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở khối lớp 9. Cấu trúc đề thi vào lớp 10 từng môn đã được Sở GD&ĐT công bố từ sớm để các trường THCS và giáo viên có hướng giảng dạy, ôn tập phù hợp cho học sinh.
Do đó, đề có thể ra vào bất cứ phần nội dung kiến thức nào mà các em đã học, đặc biệt là kiến thức khối lớp 9. Việc học tủ, học vẹt sẽ khiến các em gặp khó khi làm bài thi vào lớp 10.
Để làm bài thi đạt điểm cao không thể nhờ vào may rủi từ việc học tủ, học lệch mà trong quá trình ôn tập các em phải có chiến lược ôn tập hiệu quả và nghiêm túc ở từng môn thi.