Bị sếp tác động vật lý, nhân viên có quyền chấm dứt hợp đồng lao động?

(PLO)- Theo quy định pháp luật, một số trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dạo gần đây tôi và sếp (người sử dụng lao động) hay bất đồng quan điểm nên tôi bị sếp ngược đãi thậm chí còn nhiều lần bị sếp tác động vật lý là dùng cuốn sổ hoặc dùng tay đánh vào người tôi.

Xin hỏi trong trường hợp này tôi có quyền nghỉ không và sếp tôi có bị xử phạt?

Bạn đọc LLV (TP.HCM)

Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước nếu bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.

chấm dứt hợp đồng lao động
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước nếu bị người sử dụng lao động ngược đãi. Ảnh: T.MINH

Như vậy, nếu bị sếp ngược đãi, đánh đập thì nhân viên được quyền nghỉ ngay, mà không cần báo trước đối với trường hợp sếp chính là người sử dụng lao động.

Ngoài ra, đối với hành vi của người sử dụng lao động nêu trên có thể sẽ bị xử phạt 20-40 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (theo khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022).

Đồng thời, buộc người sử dụng lao động xin lỗi công khai đối với người lao động và trả toàn bộ chi phí điều trị, tiền lương cho người lao động trong thời gian điều trị, nếu việc xâm phạm gây tổn thương về thân thể người lao động đến mức phải điều trị tại cơ sở y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm