Bí thư Đà Nẵng: 'Thành phố sẽ giành lại đất công'

Tại cuộc gặp gỡ các nguyên cán bộ trung và cao cấp từng công tác tại cơ quan trung ương và TP Đà Nẵng đang sinh hoạt tại CLB Thái Phiên vào chiều 3-1, Bí thư Đà Nẵng cho hay Đà Nẵng với quá trình phát triển của mình thì hiện tại cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

Không ai được phép đụng vào quy hoạch

Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2012 (về chuyện thu lại 10%, điều chỉnh giá trị thời hạn sử dụng đất...) chính là đang giải quyết hậu quả trước đây.

“Tôi phải dùng từ hậu quả bởi lúc đó chúng ta cũng vì yêu cầu thu hút đầu tư, chúng ta đề ra một số chính sách thu hút nhưng không phù hợp với quy trình của luật và thậm chí đang chờ ý kiến cấp trên" - ông Nghĩa nói và cho rằng để giải quyết và chữa những cái này là rất khó. 

Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết Ban Thường vụ sẽ xem xét lại quy hoạch ven sông Hàn, quảng trường trung tâm, phố đi bộ của Đà Nẵng vào ngày 23-1 tới đây. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Nghĩa thông tin về nguyên tắc, quy hoạch đã được phê duyệt là không ai được phép can thiệp. Bởi quy hoạch của TP thì đẹp nhưng sau một hồi thì nát bét. Cái đó là cái vô cùng nguy hiểm.

"Ngày 23-1 này, kỳ họp đầu tiên năm 2018 của Thường vụ sẽ chỉ nghe về các quy hoạch. Bản thân trong Thường vụ cũng cần công khai. Bản thân các ủy viên Thường vụ phải biết quy hoạch của chúng ta ra làm sao, tình trạng như thế nào? Hiện nay người dân có ý kiến như thế thì chúng ta phải xem lại xem để có ứng xử cho đúng" - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa tiếp: “Các trụ sở của chúng ta, khi di chuyển, sắp xếp lại, quan điểm của Ban Thường vụ thì tất cả các đất đó đều phải được chuyển sang đất công cộng và phục vụ các thiết chế văn hóa, không được phép bán. Tôi nghĩ đấy là của để dành, tích tụ bao nhiêu đời rồi vèo một cái bán mất. Tôi bảo may quá, trụ sở UBND TP không bán, chứ bán rồi thì không ra làm sao. Làm được cái trung tâm hành chính xong rồi nhăm nhăm bán nốt trụ sở cũ đi thì không còn ra một cái gì cả”.

Theo ông Nghĩa, khu vực cầu tàu chữ T và khu vực trụ sở cũ của UBND TP là hình ảnh của Đà Nẵng xưa với bao nhiêu kỷ niệm. “May mà không dựng thêm một tòa nhà to đùng ở chỗ đó nữa, chứ dựng lên thì không biết phải ra làm sao” - ông Nghĩa cho hay.

Đất công sẽ không được phép bán

Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh: Đối với đất công của TP thì sắp tới phải giành trở lại. Và lãnh đạo TP sẽ nghe lại về quy hoạch chợ Hàn, quảng trường trung tâm, phố đi bộ và vệt ven sông Hàn.

“Và công tác quản lý, hành lang pháp lý của chúng ta là phải làm sao giành giật lại cho được đất cho công cộng được nhiều nhất. Việc phát triển cũng sẽ phải tương xứng với các thiết chế văn hóa của người dân. Các đồng chí hình dung việc cả 100.000 hộ dân phải nhường lại đất sắp xếp lại TP thì người dân phải có quyền được hưởng giá trị các thiết chế đó mang lại” - ông Nghĩa nói. 

Trụ sở cũ của UBND TP Đà Nẵng trước đây, một khu đất công sản kim cương của Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Trong khi đó, tái định cư của chúng ta hiện nay cứ mỗi một thời gian lại giảm đi một tí về chất lượng.

“Quy hoạch thì có sân bóng mini, có chỗ chơi nọ chỗ chơi kia. Nhưng mà thiếu đất xẻ tiếp, hiện chúng ta thiếu rất nhiều. Qua nghe phản ảnh của cử tri và chúng tôi đi kiểm tra thì đưa ra quyết định với huyện Hòa Vang các dự án hiện nay phải tạm dừng để rà soát lại hết” - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, một trong những điển hình quy hoạch không chuẩn của Đà Nẵng là hai nhà máy thép (Dana Ý và Dana Úc - PV). "Hai nhà máy này từ đầu ở quận Liên Chiểu. Không phù hợp nữa thì quẳng anh sang Hòa Vang. Chỗ đấy là khu công nghiệp. Khu công nghiệp thì đúng rồi nhưng công nghiệp gì? Đà Nẵng có phải công nghiệp gây ô nhiễm, công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như thế không? Rõ ràng là không phù hợp. Hai nhà máy này đang đặt ở khu công nghiệp sạch, điện tử, công nghiệp may thì sao tồn tại được” - ông Nghĩa nói.

Bí thư Đà Nẵng cho hay: Khi nghe ở HĐND thì nhiều địa phương cứ thắc mắc tại sao không bố trí người dân đi chỗ khác vì chỗ đấy ô nhiễm quá. "Nghĩa rằng câu chuyện là lúc nào có tiền. Nhưng theo tôi cách tiếp cận đấy là chưa ổn. Di dân hay di chuyển nhà máy phải cho đúng. Việc quản lý quy hoạch, xây dựng của chúng ta còn rất nhiều vấn đề" - ông Nghĩa phân tích. 

Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng cho biết trong kế hoạch năm 2018, TP sẽ dồn lực xử lý vấn đề nước ô nhiễm đổ ra biển. Theo đó, đến năm 2020 là phải giải quyết dứt điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm