Ngày 7-8, đoàn công tác trung ương đã có buổi làm việc với TP.HCM về khảo sát kết quả năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Buổi làm việc có sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng GD&ĐT cùng nhiều đại biểu khác.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: “Cách đây hai năm, ngày 29-7-2016, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã làm việc rất cụ thể với lãnh đạo TP.HCM về vấn đề GD&ĐT và đã có kết luận. Giờ chúng tôi rà soát có rất nhiều việc chúng ta đã cam kết và bây giờ đã thực hiện được kết quả và một số việc chưa có kết quả…”.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay trước đây TP.HCM từng có đề xuất cho phép TP tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Lãnh đạo Sở GD&ĐT hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trên cơ sở điểm thi đó, các trường đại học đủ tin tưởng để có thể tổ chức xét tuyển, thi tuyển vào trường của mình. Tất nhiên, do Luật Giáo dục quy định nên bắt buộc phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
“Đây là quan điểm của Sở để bảo đảm chất lượng thi nghiêm túc và an toàn, đảm bảo công bằng cho thí sinh của TP.HCM khi tham gia thi tuyển, xét tuyển vào các trường đại học” - ông Sơn khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói: “Thực tế TP.HCM có truyền thống thi nghiêm túc. Mà chính nhờ thi nghiêm túc đã góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục. Qua thực tiễn năm năm, tôi thấy học phải thi, không thi mất động lực học, không thi không biết người ngoài so sánh với mình như thế nào. Học phải tổ chức thi”.
“Hiện nay chúng ta đang tiến hành kỳ thi “2 trong 1”. Tôi nghĩ nên giữ như vậy nhưng làm thế nào để thi nghiêm túc, khắc phục yếu kém. Đặc biệt, đối với thi trắc nghiệm thì tính đại diện, bình quân, độ khó phải đồng đều. Nếu không đồng đều sẽ thành vấn đề vì điểm thi các năm khác nhau, chênh lệch quá học sinh sẽ lo lắng” - Bí thư Nhân nói.
Theo ông Nhân, chuẩn bị đề thi trắc nghiệm nên gia cố hơn nữa, phải có một kho lớn hơn nữa và phải được kiểm tra trước khi thi. “Còn về sai sót vừa qua trong kỳ thi, tôi nghĩ nên có một hội nghị đánh giá về vấn đề thi cử từ Nghị quyết 29 đến giờ. Làm như vậy để thấy năm năm qua đã cải tiến thi cử ra sao, kết quả đạt được như thế nào. Còn tinh thần chung học phải thi, thi nhiều sẽ bất tiện, tốn chi phí cho nên tôi đồng tình với kỳ thi kết hợp nhiều mục đích” - Bí thư Nhân nhấn mạnh.
Giáo dục TP.HCM không ngừng nâng cao TP.HCM đã chú trọng trong việc đổi mới nội dung, phương pháp kiểm tra, đánh giá, có tốc độ về hiện đại hóa nhanh. Trong thực hiện nghị quyết, TP luôn coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng với nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn, hiệu quả. Chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao, đời sống của người thầy được nâng cao. TP tuy chịu áp lực về tăng dân số cơ học rất lớn nhưng có những giải pháp, chính sách để gia tăng nguồn lực, kêu gọi sự tham gia của các nguồn lực xã hội. Trong nhiều năm liền, TP có chương trình hỗ trợ lãi suất cho các cơ sở trong lĩnh vực này. Đặc biệt, các trường đại học có sự gắn kết với sự phát triển của địa phương. Điều đó cho thấy giáo dục TP có vị trí xứng đáng trong GD&ĐT của cả nước. Ông VÕ VĂN THƯỞNG, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương |