Ngày 25-12, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới trên địa bàn.
Tại hội nghị, cùng với việc biểu dương những kết quả tích cực mà Công an TP.HCM đã đạt được, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng nêu những hạn chế và đưa ra nhiều chỉ đạo để lực lượng Công an TP.HCM vững mạnh hơn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: T.LÂM
Phạm pháp hình sự giảm mạnh
Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trong 10 năm qua TP xảy ra hơn 51.000 vụ phạm pháp hình sự (giảm hơn 16.000 vụ, tức giảm hơn 24% so với thời gian liền kề).
Công an điều tra, khám phá hơn 35.600 vụ và bắt hơn 43.900 người, triệt phá hơn 9.500 băng nhóm tội phạm, bắt gần 5.300 đối tượng truy nã, tiếp tục tập trung truy nã 2.870 người.
Trong đó, tội phạm cướp, cướp giật và trộm cắp chiếm tỉ lệ cao (chiếm 76,7% tổng số vụ). Tội phạm này rất manh động, nguy hiểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Các đối tượng vi phạm có xu hướng ngày càng trẻ và liều lĩnh.
Cũng theo tướng Nhàn, TP xuất hiện nhiều băng nhóm, đối tượng hình sự từ các tỉnh vào TP, câu kết với tội phạm ở TP hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động núp bóng vỏ bọc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tín dụng đen.
Tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra chủ yếu ở các lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước...
Cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra và xử lý 235 vụ (tăng 17 vụ). Tổng số tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt đã phát hiện phải thu hồi là gần 1.500 tỉ đồng, đã thu hồi trong giai đoạn điều tra là hơn 734 tỉ đồng (gần 49%).
Về tội phạm mại dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm có yếu tố nước ngoài và xuất cảnh ra nước ngoài để bán dâm ngày càng gia tăng. Hoạt động tổ chức cờ bạc ngày càng tinh vi, có sự chuyển hướng sang hoạt động trên mạng.
Đừng để dân truy bắt tội phạm một mình
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng để nâng cao chất lượng sống của người dân, các cấp, các ngành đang ra sức xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, quyết tâm giữ TP thật sự bình yên và an toàn.
Ông cho rằng 10 năm qua, lực lượng Công an TP đã cố gắng không ngừng nghỉ, đạt được nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống tội phạm. Công an TP đã tạo được phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm mạnh mẽ, tỉ lệ người dân phát hiện, trực tiếp tham gia truy bắt tội phạm ngày càng tăng, góp phần khẳng định vai trò của nhân dân.
“Tuy nhiên, đừng để người dân phải ra tay một mình mà không có lực lượng chức năng. Phải làm cách nào để cho người dân mọi lúc, mọi nơi thật sự là tai mắt của lực lượng chức năng” - ông Nên nói.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng ông Nên cũng cho rằng vẫn còn mặt hạn chế như sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc thiếu chủ động, thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, còn hình thức.
Số vụ phạm pháp tuy được kiềm chế, kéo giảm nhưng con số tuyệt đối vẫn còn cao. Tính chất, thủ đoạn còn tinh vi, phức tạp và rất đáng lo ngại. Trong khi đó, số người nghiện lại tăng và vẫn còn gần 3.000 tội phạm bị truy nã ở ngoài xã hội, tội phạm đang trẻ hóa… Ông Nên cho rằng đó là những câu hỏi cần sớm có lời giải, nếu không thì mục tiêu bảo vệ sự bình yên và an toàn cho TP sẽ là thách thức lớn.
Cần trui rèn bản lĩnh
Ông Nên cũng cho rằng mặt trái của nền kinh tế thị trường, phát triển KH&CN sẽ tiếp tục làm cho TP.HCM là địa bàn trọng điểm của di dân tự phát, tội phạm có tổ chức, manh động, tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Do đó, trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó chú trọng các giải pháp phòng ngừa xã hội để hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm gia tăng tội phạm hình sự.
Lực lượng chuyên trách cần có kế hoạch mở các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm khi cần thiết. Phải có những hành động quyết liệt thì mới mong kéo giảm được phạm pháp hình sự.
Ông Nên lưu ý: Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm vừa nghiêm khắc trừng trị nhưng song song đó phải gắn với thuyết phục, cảm hóa, giáo dục tội phạm.“Tội phạm trước hết là con người, không có người mẹ nào sinh con ra lại muốn con mình thành tội phạm nhưng do nhiều nguyên nhân để người ta trở thành tội phạm. Người làm công tác này phải có lòng trắc ẩn để chia sẻ, cảm hóa đối tượng để họ vượt qua chính mình” - ông Nên lưu ý.
Ông Nên chỉ đạo thêm: Cảnh sát hình sự là lực lượng chủ công trong phòng, chống tội phạm, phải có lòng yêu nghề, đam mê, bản lĩnh, mưu trí và có lòng trắc ẩn. Còn nếu thiếu bản lĩnh, đam mê, chùn bước thì đi làm việc khác. “Phòng, chống tội phạm là phải máu lên. Nghe người ta báo tội phạm đang gây án mà mình chần chừ, sợ đến sớm thì đụng chạm là không được rồi. Phải máu lên, nghe là phải có mặt, như vậy mới làm cho người dân tin tưởng” - ông Nên nói.
Ông Nên lưu ý: Trong lực lượng phòng, chống tội phạm nếu có ai chưa vượt qua chính mình, thấy chưa thật sự trong sạch thì phải trui rèn, đừng để phát sinh tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Cuối cùng, ông Nên đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ trong xây dựng lực lượng Công an TP và công an các cấp để hạn chế sai phạm, làm cho đội ngũ trong sạch, liêm khiết.•
Heroin, ma túy tổng hợp thu giữ tăng hơn 3 tấn
Tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, biến tướng. Cơ quan chức năng đã phát hiện những người tự sản xuất ma túy không chỉ quy mô trong phòng thí nghiệm mà còn có cả quy mô công nghiệp, số lượng lớn. Xuất hiện người nước ngoài lợi dụng các điều kiện thuận lợi trong giao thương của TP để vận chuyển ma túy ra nước ngoài.
Trong 10 năm qua đã phát hiện hơn 15.400 vụ (giảm 1.629 vụ), bắt gần 32.210 người và thu giữ được 615 kg heroin (tăng 491 kg), 2.807 kg ma túy tổng hợp (tăng 2.788 kg), 75 kg cocain và 154 kg cần sa.