Khi bài viết “Không dễ bỏ tù người bán thịt chứa chất cấm” được đăng tải (Pháp Luật TP.HCM ngày 8-4), nhiều độc giả đã bày tỏ thái độ quyết liệt, yêu cầu phải xử lý cho được những người, những khâu có liên quan việc dùng chất cấm trong thực phẩm. Bạn đọc có tên Quan nói: Người buôn bán chất cấm phạt năm thì người sản xuất thực phẩm sẽ phải bị phạt 10. Bắt buộc người bán thịt phải biết nguồn gốc thịt lấy từ lò mổ nào và lò mổ phải biết rõ trang trại nuôi nào cung cấp.
Độc giả AoanhLe yêu cầu việc trị chất cấm trong thực phẩm phải tận gốc bằng cách làm rõ ai nhập chất cấm, ai bán chất cấm, tại sao họ lại bán được…, cuối cùng mới truy đến người sử dụng chất cấm.
Theo bạn Lương Đình Lâm, người sản xuất, người bán và cung cấp thực phẩm đều phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm. Phải kiểm tra hoặc báo cơ quan chức năng, không thể lấy lý do không biết để tiếp tục chế biến, buôn bán.
Bạn đọc Manh Nguyen góp ý: “Luật chưa có đủ quy định thì ra thêm thông tư”. Riêng độc giả HuynhNangNguyen hiến kế cụ thể: Mỗi con heo cho đeo một mã code vào lỗ tai, có thông tin về nguồn gốc xuất xứ của nó. Mã code đó sẽ theo con heo đến tận bàn xẻ thịt. “Ở nước ngoài họ bán chuối đi khắp thế giới, chỉ cần trong hàng triệu quả chuối ấy có một quả bị lỗi, họ vẫn biết được trái ấy được thu hoạch từ khu vực nào và cho kiểm tra tất cả chuối đã thu hoạch tại khu vực đó xem có bị lỗi tương tự hay không”.
Tương tự, nhiều bạn đọc khác khi xem các thông tin về dưa cải, măng có chất vàng ô (PLO ngày 7 và 8-4) bộc lộ sự bức xúc bởi gần đây hầu như ngày nào cũng có các thông tin phát hiện thực phẩm không an toàn.