Cáo trạng của VKSND TP Hà Nội (ngày 18-2) về vụ thẩm mỹ viện Cát Tường cho biết không phải chỉ có bác sĩ Tường và bảo vệ Khánh ngồi trong xe đưa xác chị Huyền đem đi vứt xuống sông Hồng mà lúc ấy còn có Nguyễn Thị Hằng là vợ của bác sĩ Tường ngồi trong xe. Vợ BS Tường đã khuyên ngăn chồng không vứt xác, song Tường không nghe. Trong cáo trạng của VKS, chị Hằng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Câu hỏi đặt ra là vợ bác sĩ Tường biết chồng mình có hành vi phạm tội, dù có can ngăn nhưng không chủ động tố giác với cơ quan chức năng thì có phạm tội hay không.
Theo cáo trạng, BS Tường bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” (Điều 246 BLHS, mức án cao nhất đến 5 năm tù) và “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” (Điều 242 BLHS, mức án cao nhất đến 15 năm). Hai tội này đều không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 313 BLHS (tội che giấu tội phạm) và Điều 314 BLHS (tội không tố giác tội phạm). Do đó, dù cho chị Hằng biết hành vi của chồng mình và không chủ động tố giác đến các cơ quan chức năng thì cũng không cấu thành tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm.
Mặt khác, do chị Hằng đã quyết liệt can ngăn chồng không ném xác chị Huyền xuống sông Hồng (dù lời can ngăn này không có kết quả) nên cũng không thể nói chị Hằng đồng phạm với chồng về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Do vậy, việc cơ quan chức năng không đề cập xử lý vợ BS Tường là có căn cứ.
TTH