Bình Dương: Cấm giáo viên cắt giảm chương trình học để dạy thêm

(PLO)- UBND tỉnh Bình Dương vừa có quyết định cấm tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học, cấm ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương vừa có quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về dạy thêm, học thêm. Trong đó, nội dung chủ yếu là nghiêm cấm ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.

Nghiêm cấm cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm. Ảnh: LA

Theo quyết định này, ngoài việc bãi bỏ một số điều chưa phù hợp với tình hình thực tế, còn sửa đổi và bổ sung một số điều khoản mới.

Cụ thể, hoạt động dạy thêm, học thêm được tổ chức trong các cơ sở giáo dục công lập.

Việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh. Nội dung học phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

Đồng thời, không được ép học sinh học thêm mà phải dựa trên nhu cầu và sự tự nguyện của học sinh và phụ huynh.

Đáng chú ý, trong quyết định có nêu rõ: Không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy trước những nội dung trong chương trình chính khóa; không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học và các trường đã dạy 2 buổi/ngày.

Đặc biệt, đối với những giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Tiền lương thấp, giáo viên nghỉ việc nhiều nhất

Cuối tháng 11-2023, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ đang tiến hành với UBND tỉnh Bình Dương và các ngành, địa phương thuộc tỉnh này về tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương có tổng số hơn 24.700 công chức viên chức. Nhưng chỉ trong gần hai năm (từ tháng 1-2022 đến 9-2023), đã có đến 1.125 công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc. Đặc biệt, cán bộ công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo có đến 70 người.

Trong đó, số viên chức thôi việc, bỏ việc trong ngành giáo dục là cao nhất, tiếp đó là ngành y tế.

Cũng theo báo cáo này, nguyên nhân thôi việc, bỏ việc của cán bộ công chức viên chức có nhiều lý do,

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là chính sách tiền lương chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho bản thân và gia đình nên công chức, viên chức không có động lực gắn bó với công việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới