Gần 2 năm hơn 1.100 cán bộ ở Bình Dương 'dứt áo ra đi'

(PLO)- Lương công chức mới vào làm hơn 4 triệu đồng, hai vợ chồng đều là công chức thì chỉ khoảng 10 triệu đồng, việc này dẫn đến nhiều cán bộ ở Bình Dương "dứt áo ra đi", trong đó có 70 người đang giữ chức vụ lãnh đạo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-11, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ làm việc với UBND tỉnh Bình Dương và các ngành, địa phương thuộc tỉnh về tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành công vụ.

cán bộ ở Bình Dương
Công chức, viên chức ngành giáo dục có số lượng thôi việc, bỏ việc nhiều nhất. Ảnh: LA

Theo báo cáo, Bình Dương có hơn 24.700 công chức, viên chức. Tuy nhiên, chỉ trong gần hai năm (từ tháng 1-2022 đến 9-2023) đã có đến 1.125 công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc, trong đó có 70 người đang giữ chức vụ lãnh đạo.

Trong đó, số viên chức thôi việc, bỏ việc trong ngành giáo dục là cao nhất, tiếp đó là ngành y tế.

Cũng theo báo cáo này, nguyên nhân thôi việc, bỏ việc của cán bộ ở Bình Dương có nhiều lý do nhưng chủ yếu là do sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế.

Bên cạnh đó, Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, khối lượng công việc ngày càng cao, trong khi biên chế được giao thấp. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, công chức phải làm việc ngoài giờ hành chính ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc và sức khỏe.

cán bộ ở Bình Dương
Ngành y tế cũng có số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều. Ảnh: LA

Ngoài ra, hệ thống văn bản quy định còn chồng chéo, thường xuyên thay đổi, chưa cụ thể, rõ ràng nên dẫn đến tình trạng cán bộ có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ bị trách nhiệm…

Đáng chú ý, nguyên nhân chủ yếu là chính sách tiền lương chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho bản thân và gia đình nên công chức, viên chức không có động lực gắn bó với công việc.

Được biết, từ nay đến ngày 25-11, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ sẽ làm việc với Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và các địa phương trong tỉnh Bình Dương.

Nghịch lý

Bình Dương là địa phương đóng góp ngân sách đứng thứ 3 cả nước nhưng biên chế của Bình Dương thấp nhất trong các tỉnh Đông Nam Bộ.

Đến nay, số biên chế hiện có của Bình Dương thấp nhất so với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, ít hơn Bình Phước khoảng 100 người, Tây Ninh 80 người.

“Bình Dương và TP.HCM giáp ranh nhau nhưng TP.HCM áp dụng được chính sách đặc thù theo Nghị quyết 27 của Trung ương là được nhân 1,7 lần.

Còn Bình Dương không có chính sách đặc thù nên lương vẫn bình thường như các tỉnh khác, dẫn đến mức lương thấp. Lương công chức mới vào làm hơn 4 triệu đồng, nếu hai vợ chồng đều là công chức thì mức lương khoảng 10 triệu. Như vậy làm sao có thể nuôi con” - ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhìn nhận Bình Dương có đặc thù riêng, tạm gọi là địa phương phát triển nóng, tình hình biên chế khó khăn, anh em làm việc vất vả.

"Trên tinh thần kiểm tra, Bộ Nội vụ sẽ có hướng để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương và có chính sách phù hợp cho từng địa phương” - ông Hà nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm