Thầy Lợi bật khóc khi nói về việc cấm giáo viên dạy thêm
"Khi phụ huynh không đón con kịp mà nếu giáo viên cũng không được dạy như vậy cho các em thì các em phải làm sao, sẽ rất thiếu an toàn cho trẻ. Chúng ta nên tính đến phương án quản lý sao cho tốt chứ đừng vì quản không được mà cấm. Tại sao bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ chạy sô kiếm tiền được mà giáo viên lại không thể sống bằng chính nghề của mình thì còn nỗi buồn nào hơn?" - thầy Lợi xúc động nói.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Hùng Dũng, Trưởng phòng GD&DT quận 3, cho biết hiện nay 100% HS tại quận 3 đều học hai buổi/ngày nên không tổ chức dạy thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, mặc dù không dạy thêm trong trường nhưng một số giáo viên có dạy thêm tại nhà hoặc dạy thêm tại các cơ sở bên ngoài. Hầu hết các trường đều có kế hoạch bồi dưỡng HS giỏi và phụ đạo HS yếu kém.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, một điều đáng nói là tất cả HS đều tan trường lúc 4 giờ hoặc 4 giờ 15 phút nhưng hầu hết phụ huynh đều chưa thể đến đón con được. Vì thế phụ huynh đều có nguyện vọng nhờ giáo viên trông giữ và nhà trường có các hoạt động để HS tham gia để kéo dài đến 5 giờ hoặc 5 giờ 15 thì phụ huynh mới đến đón được.
Trong thời gian này, giáo viên sẽ cho các em tham gia các môn năng khiếu hoặc cho HS ngồi tại lớp để làm và chuẩn bị bài cho buổi sau. Học phí cho những giờ này do giáo viên thỏa thuận với phụ huynh. Theo ông Dũng, không phải tất cả nhưng cũng hơn 1/2 HS học thêm như vậy.
Thuận lợi của việc dạy thêm trong nhà trường là đảm bảo được cơ sở vật chất, phòng học cho các em, thuận tiện cho việc đưa đón HS của phụ huynh và quản lý theo dõi của nhà trường. Học phí thu theo khung quy định nên phù hợp với hầu hết đối tượng phụ huynh HS. Còn dạy thêm ngoài nhà trường sẽ khó kiểm soát được mọi mặt về phòng ốc, gây khó khăn cho đưa đón con của phụ huynh và khó quản lý mức thu. Mặc dù Sở cấp phép nhưng thu chi không biết như thế nào, các em đi lại cũng không an toàn.
Vì thế, theo ông Dũng, Sở chỉ đạo thì phòng cũng triển khai và đề nghị thực hiện nghiêm việc không dạy thêm trong trường, tuy nhiên vì đây là nhu cầu có thật nên cũng đề nghị xem xét lại việc ngưng này. Ông Dũng cũng đề nghị các cấp cải cách lại chương trình học cho phù hợp, cải cách việc thi cử và quan trọng nhất là vấn đề lương của anh em giáo viên hiện nay để không còn chuyện học thêm dạy thêm này nữa.
Trao đổi tại buổi làm việc, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa xã hội – HĐND TP cho rằng, đúng là chương trình hiện nay còn nặng nên dạy thêm là nhu cầu có thực của phụ huynh trước rồi mới đến nhu cầu của HS. Phụ huynh muốn con có nhiều kiến thức để thi đậu vào các trường ĐH như mong ước của cháu, trường cũng muốn nâng chất lượng giáo dục, lo đời sống cho giáo viên... Tuy nhiên, bà Nhung đề nghị các trường và giáo viên chấp hành nghiêm chủ trương của TP về vấn đề này. TP cũng sẽ từng bước để giảm tải việc học cho các em. Như việc Bộ GD&ĐT vừa qua đã đồng ý cho TP tự biên soạn bộ sách giáo khoa riêng phù hợp với đặc thù của TP, TP cũng dần được tự công nhận xét tốt nghiệp THPT sẽ là cơ sở để giảm tải việc học cho các cháu. "Đoàn ghi nhận ý kiến của các trường. Đúng là chúng ta phải xem xét lại chương trình, thi cử và hạn chế tình trạng nặng thi đua khen thưởng như hiện nay, nhất là làm sao để lương giáo viên phải đủ sống mới có thể yên tâm được. Sắp tới, đoàn sẽ làm việc với Sở GD&Đ và lãnh đạo TP để lắng nghe và trao đổi lại về quy định dạy thêm, học thêm tại TP. Nếu cần sẽ điều chỉnh và có lộ trình thực hiện phù hợp theo từng bước chứ không thể đùng cái cấm ngay được. Các trường cũng cần nâng cao hơn chất lượng giảng dạy, quan tâm hơn đến các em yếu để các em học sao cho có hiệu quả nhất" - bà Nhung lưu ý. |