Ngoài ra, tỉnh Bình Dương tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN. Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết sau sự cố ngày 12,13-5 vừa qua, Cơ quan Công an đã giám định thiệt hại, làm cơ sở giúp các DN làm việc với công ty bảo hiểm để hoàn tất việc bồi thường.
Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết đơn vị đã điều tra, thu hồi số tài sản trị giá hơn 33 tỷ đồng, trao trả lại các DN.
Tỉnh Bình Dương có rất nhiều chính sách liên quan về thuế để hỗ trợ như gia hạn nộp thuế, khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào hàng hoá; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê hạ tầng… với tổng trị giá khoảng 811 tỷ đồng.
Hiện tỉnh đang rà soát để triển khai việc không thu thuế giá trị gia tăng, hàng nhập khẩu để sửa chữa, đầu tư lại các máy móc, thiết bị hư hỏng, tổn thất. Đồng thời, Hải quan tỉnh Bình Dương còn thực hiện ân hạn thuế; gia hạn thuế nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng… với tổng giá trị với tổng giá trị thực hiện 486 tỷ đồng.
Doanh nghiệp ký thỏa thuận nguyên tắc sử dụng gói vốn 1000 tỷ đồng
Riêng đối với 37 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, tỉnh phê duyệt thêm phần hỗ trợ 56 tỷ đồng để chi trả tiền lương cho lao động trong thời gian nghỉ việc do xảy ra sự cố.
Cũng theo ông Nam, tỉnh Bình Dương cũng tập trung giải quyết hỗ trợ DN 70% tiền lương đã chi trả cho người lao động trong thời gian nghỉ việc.
Về gói tín dụng 1000 tỷ, các DN sẽ được vay vốn để mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng mới tối đa không quá 50 tỷ … Gói vay sẽ được giao cho BIDV tỉnh Bình Dương giải ngân, chậm nhất vào ngày 31-12-2014.
Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thông tin tỉnh đã liên hệ với Bộ Tài chính nhằm đôn đốc việc giải quyết, bồi thường của các công ty bảo hiểm cho DN. “Tỉnh Bình Dương luôn đồng hành cùng DN. Tuy gói tín dụng không lớn nhưng đã chia sẻ phần nào khó khăn với DN. Tỉnh sẽ thành lập một tổ công tác làm việc trực tiếp với các DN để hướng dẫn hợp đồng cụ thể, giải ngân sớm cho các đơn vị trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày”. Ông nói.