Người dân cho biết, họ mất việc đã nhiều tháng, bị đẩy ra khỏi chỗ trọ phải lang thang, đi bộ lên TP.HCM tìm cách về quê nhưng bất thành, phải sống nhờ vào tình thương của người đi đường.
Từ đầu tháng 8-2021 đến nay Lãnh đạo UBND phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM đang chăm sóc hơn 30 trường hợp người dân không có nơi cư trú muốn về quê ở miền Tây nhưng bị kẹt lại trên địa bàn.
Hơn 30 người đang được chăm lo tại trường mầm non trên địa bàn phường An Lạc A, quận Bình Tân rất mong mỏi được về quê. Ảnh NT
Sáng 18-8, chị Đoàn Thị Kim Yến (20 tuổi, quê ở Bạc Liêu) cho biết mình đang mang bầu 5 tháng, hai vợ chồng mất việc, hết tiền nên đi bộ về quê.
“Hai vợ chồng làm thợ hồ thu nhập một ngày 300 ngàn nhưng cũng thất thường. Vừa rồi, do dịch bệnh nên thất nghiệp, không có tiền đóng trọ. Khi tôi và chồng đi bộ về tới Long An thì bị chặn lại. Lang thang bên ngoài gần năm ngày thì được đưa vào đây” – chị Yến nói.
Theo chị Yến, được UBND phường An Lạc A sắp xếp nơi ăn chốn ở thoáng mát, sạch sẽ nên rất thoải mái. “Khi vào đây, tôi được xét nghiệm thì phát hiện dương tính và được điều trị đã bình phục” – chị Yến tiếp.
Chị Bình cho biết hiện đang mang thai bảy tháng và hiện chỉ mong muốn được về quê. Ảnh NT
Trước đó, đầu tháng 8, Công an, UBND phường An Lạc A phát hiện một nhóm hàng chục người mang theo đồ đạc, ngủ tại một con hẻm gần Bến xe miền Tây, quận Bình Tân.
Họ đều là những công nhân, người làm thuê mất việc làm nên đi xe máy, đi bộ về miền Tây nhưng không qua được các chốt kiểm soát. Sau đó, họ quay ngược lại Bến xe Miền Tây để tìm cách về quê. Trong số này, có cả người già, trẻ em và phụ nữ mang thai.
Tương tự chị Yến, chị Nguyễn Thị Bình (33 tuổi, quê Khánh Hòa) cũng đang mang thai 7 tháng. “Hai vợ chồng đang làm ngói thuê ở huyện Củ Chi thì bị cho nghỉ vì dịch. Mắc kẹt ở đây gần hai tháng nên đi bộ lên bến xe để về quê. Giờ em sắp sinh con mà không có tiền, không có đồ đạc cho con, chỉ mong được về quê sinh con cho an toàn” – chị Bình nói.
Trước đó, UBND phường đã hỗ trợ, đưa một phụ nữ trong số này đến bệnh viện để chuẩn bị sinh. Ảnh NT
Chị Yến, chị Bình cũng như hàng chục người dân mắc kẹt đều có chung hoàn cảnh, họ là công nhân, bốc vác… mất việc làm, hết tiền và tìm đường về quê dù đi bộ.
Sau khi đưa về phường, chính quyền địa phương đã bố trí cho nhóm người này ở tạm tại một trường mầm non trên đường Nguyễn Thức Đường (phường An Lạc A), lập hồ sơ từng người, test COVID-19. Các trường hợp có nơi cư trú, phường An Lạc A liên hệ công an địa phương nơi người dân sinh sống trước đó đến đón về.
Còn lại hơn 30 trường hợp đã trả nhà trọ hoặc không có nơi cư trú, phường giữ lại tạm thời hỗ trợ trong thời gian TP.HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trong thời gian này, UBND phường cũng lập danh sách, liên hệ để người dân có chuyến xe về quê.
Cụ bà gần đất xa trời khát khao thăm gia đình
Một cụ bà dáng người nhỏ nhắn, cho biết mình tên là Trần Thị Cúc (79 tuổi, quê Cà Mau).
Bà Cúc đi nhặt ve chai, kiếm sống qua ngày. Hai năm lên Đồng Nai, TP.HCM kiếm kế sinh nhai, bà không tích lũy được chút tiền bạc nào. Dịch bệnh kéo đến, cụ bà phải rời nơi trọ ra đường ở. Khi cụ lần tìm ra Bến xe miền Tây kiếm cách về quê thì kẹt lại, sống nhờ lòng thương của mọi người.
Bà Cúc cho biết mình mắc kẹt ở Bến xe Miền Tây sau khi tìm cách về quê nhưng không được. Ảnh NT
“Giờ tôi tuổi già, được mấy chú công an đưa vào đây thật cảm ơn. Hiện tôi chỉ muốn về quê thăm gia đình” – bà Cúc tâm sự.
Bà Lê Thị Ban (52 tuổi) cùng chồng là ông Trần Minh Luân (54 tuổi, quê Hậu Giang) lên Bình Dương làm phụ hồ. Đã ba tháng mất việc, hai vợ chồng lòng nhưa lửa đốt vì tiền đã hết, bị đuổi khỏi chỗ trọ. Trong lúc đó, con gái ở quê sắp sinh đẻ, lại một thân một mình.
Hồi tháng tám, hai vợ chồng khăn gói đi bộ từ Bình Dương lên TP.HCM về Long An. Để vượt qua quãng đường dài, họ phải nhiều lần xét nghiệm để có giấy chứng nhận âm tính. Nhưng khi đến chốt giáp ranh giữa TP.HCM và Long An thì bị chặn lại.
“Sau hơn một ngày đi bộ, hai vợ chồng mới đến Long An. Tôi quỳ lạy để được đi qua nhưng không được. Tôi với chồng lang thang ngoài mưa gió, sau năm ngày ăn mì tôm sống, xin nước uống thì được đưa vào đây”- bà Ban ứa nước mắt nói.
Bà Ban cùng chồng cho biết hiện được chăm sóc rất tốt nhưng con gái sắp sinh ở quê chỉ có một mình. Ảnh NT
Trong thời gian này, người con rể cũng mắc kẹt tại Long An, không về được. Con gái bà Ban một mình chuẩn bị sinh đẻ ở Hậu Giang, trong khi đó còn phải chăm con 17 tháng tuổi.
“Những ngày ở đây, hai vợ chồng được chăm nom đầy đủ, không bị đói khổ như ở ngoài đường. Nhưng bây giờ chỉ muốn về được quê với con gái, cảnh nhà bốn người bốn nơi mà con tôi sắp sinh mà chỉ một mình. Chúng tôi về thì cũng giảm gánh nặng cho mấy anh công an, ủy ban ở đây” – bà Ban tiếp.
Người phụ nữ cũng cho biết, những người cùng khổ như bà khi vào đây đều rất đoàn kết, chăm lo cho nhau như một gia đình. Có gì mọi người cũng chia nhau, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều. Người dân cũng gửi lời cảm ơn đến chính quyền địa phương đã hỗ trợ, giúp đỡ.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch UBND phường An Lạc A (quận Bình Tân) hiện những người dân đang được chăm lo hết sức chu đáo, không để ai bị thiếu thốn. “Chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất để người dân an tâm ở lại cùng Thành phố chung tay chống dịch, vượt qua khó khăn” – ông Hiệp nói.