Ngày 18-12, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phiên chất vấn đã nóng lên khi hai giám đốc Sở Tài chính và Sở NN&PTNT trả lời việc thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ (giai đoạn 2015-2020, theo Quyết định 50/2014 của Thủ tướng Chính phủ).
Quyết định này hỗ trợ bằng tiền dưới 10 triệu đồng cho các hộ nuôi gà, vịt giống, từ dưới 20 triệu đến 25 triệu đồng đối với hộ nuôi bò, trâu giống và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường... Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2020.
Tuy nhiên, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết từ tháng 12-2017, sở đã có công văn đề nghị địa phương xây dựng kế hoạch và gửi danh sách. Sau đó xác định các hộ chăn nuôi ở tỉnh được hỗ trợ hơn 21 tỉ đồng, trong đó 50% là ngân sách trung ương.
Tháng 1-2018, do khó khăn về kinh phí, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ 100%. “Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có trả lời. Trách nhiệm thuộc về Sở NN&PTNT do thiếu đeo bám” - ông Kiều thừa nhận.
Đồng tình với trả lời chất vấn này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hữu Ba cho biết ngoài việc thiếu đeo bám thì cả hai sở không có báo cáo cho UBND tỉnh biết để xử lý. “Ngoài trách nhiệm của Sở Tài chính, Sở NN&PTNT thì cũng có trách nhiệm của các huyện, thị, thành phố” - ông Ba nói.
Lập tức đại biểu Nguyễn Toàn Thiện chất vấn rằng quyết định của Thủ tướng áp dụng từ ngày 1-1-2015, thế nhưng đến năm 2018 UBND tỉnh mới có công văn đề nghị hỗ trợ. “Từ thời điểm đó các nông hộ đã chăn nuôi biết bao lứa và thậm chí trong khi chờ hỗ trợ họ phải vay mượn trả lãi cao nhưng đến nay vẫn không thấy gì. Trách nhiệm này có phần lớn thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận” - ông Thiện truy vấn.
Trả lời, cả hai giám đốc Sở NN&PTNT, Sở Tài chính đều cho rằng do các bộ, ngành trung ương hướng dẫn chậm và đều hứa sẽ đeo bám, tạm ứng trước, cân đối ngay dự toán trong năm 2020.
Chưa đồng tình với trả lời này, đại biểu Phạm Sơn nói thẳng: “Tôi đề nghị nói là phải thực hiện, phải chắc chắn để chúng tôi còn biết trả lời bức xúc của cử tri. Ngoài việc chậm hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, các chính sách khác cũng triển khai rất chậm và chính điều này đã làm cho người dân của tỉnh bị thiệt thòi”.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, lập tức đứng lên khẳng định trách nhiệm này thuộc về giám đốc ba sở NN&PTNT, Tài chính, KH&ĐT và cả chủ tịch UBND tỉnh.
“Giám đốc các sở tôi vừa đề cập phải xin lỗi dân chứ đừng nói trách nhiệm chung chung. Không phải thiếu kinh phí mà các sở quá thiếu trách nhiệm trong khi Tỉnh ủy, UBND rất nhiều lần nhắc nhở. Tiền lương của mình thì nhớ, còn chính sách của dân lại không nhớ” - ông Hai nói.
Kết luận về phần chất vấn này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, mong muốn tại cuộc họp của lãnh đạo UBND tỉnh với Chính phủ vào ngày 30 và 31-12 tới, tỉnh phải có ý kiến với Chính phủ việc này. Theo ông Hùng, quyết định của Thủ tướng đã sắp hết hiệu lực trong khi người dân chưa được hỗ trợ. Do đó tỉnh cần phải khẩn trương triển khai để người dân không chịu thiệt thòi.