Sáng 19-9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội XVII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020-2025.
Buổi làm việc do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh:TTXVN
Diện mạo Thủ đô thay đổi từng ngày
Sau khi nghe báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bộ Chính trị đã đánh giá cao, biểu dương những kết quả quan trọng và nổi bật của Đảng bộ TP Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Bộ Chính trị cũng thống nhất đánh giá trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, có nhiều cách làm sáng tạo, quyết tâm đưa các Nghị quyết của Đảng, của Đảng bộ TP đi vào thực tiễn cuộc sống. Kết quả đạt được khá toàn diện, TP hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI.
Kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn bình quân cả nước và giai đoạn 2010-2015; chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt trên một triệu tỉ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.
Thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt gần 1.200 nghìn tỉ đồng, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả vượt bậc, giai đoạn 2016-2020 đạt 25 tỉ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015. TP đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa cả nước.
Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn. Một số công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại được khởi công, hoàn thành. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, đến cuối năm 2020 có 10 huyện, 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu trước hai năm.
Đảng bộ TP gương mẫu thực hiện nghiêm túc các nghị quyết Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.
Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội được sắp xếp, củng cố tinh gọn về tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Bộ Chính trị nhấn mạnh, cần đánh giá, làm rõ vai trò trung tâm của Thủ đô là đầu tàu dẫn dắt, đồng thời chia sẻ lợi ích với các địa phương trong vùng và cả nước, từ đó đề ra chiến lược phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, là động lực lan tỏa, hạt nhân để gắn kết hiệu quả, bền vững và tích hợp được tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong vai trò trung tâm, cửa ngõ quốc tế và thể hiện vai trò hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt của Hà Nội.
Yêu cầu với Hà Nội phải cao hơn các địa phương khác
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, đánh giá cao công tác chuẩn bị Đại hội của Thành ủy Hà Nội; đồng thời lưu ý một vấn đề lớn cần chú trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ sắp tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo dự buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và Đảng bộ Thủ đô.
Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, bộ mặt của quốc gia, trái tim của cả nước, TP vì hòa bình.
“Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện, lâu nay đã quyết tâm rồi, Đại hội này cần có bước chuyển biến mới - đây là yêu cầu khách quan. Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng phải chú trọng văn hóa, Hà Nội phải văn minh, thanh lịch, cụ thể hóa tiêu chí xây dựng người Hà Nội, xây dựng Thủ đô, đặc biệt là vấn đề quản lý đô thị, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não Trung ương…” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam, phát triển kinh tế nhưng phải có văn hóa, có quy hoạch, không phát triển tự do, lộn xộn… đã làm thì dứt điểm, đúng kế hoạch.
“Muốn vậy phải xây dựng Đảng, xây dựng con người, xây dựng tổ chức, kỷ cương kỷ luật, làm ăn bài bản, có kiểm tra, phân công trách nhiệm rõ ràng; làm được thì thưởng không làm được thì phạt, vi phạm thì xử lý. Tổ chức Đảng phải tốt, lãnh đạo phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, nhạy bén, chủ trương đúng, hành động quyết liệt, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, xử lý cho nghiêm, tuyệt đối không được tự mãn…” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ.
Bộ Chính trị làm việc với 20 Đảng bộ trực thuộc TW Thực hiện Kết luận ngày 16-6 của Bộ Chính trị (trong tuần đầu, đợt 3, từ 14-9 đến 19-9), Bộ Chính trị đã làm việc tập thể và tiếp tục làm việc theo nhóm với 20 đảng bộ trực thuộc Trung ương để cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy trước khi tiến hành đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 theo tinh thần Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị. Bên cạnh buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội do Tổng bí thư, Chủ tịch nước chủ trì, theo phân công, nhóm 1 do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã làm việc với Đảng bộ các tỉnh: Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Nhóm 2 do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, đã làm việc với Đảng bộ các tỉnh Bình Định, Hậu Giang, Phú Yên, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Điện Biên. Nhóm 3 do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chủ trì, đã làm việc với Đảng bộ các tỉnh Bắc Giang, Quảng Bình, Cà Mau, Đắk Lắk, Tây Ninh và Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Tại các buổi làm việc, sau khi nghe đại diện lãnh đạo các đảng bộ trình bày dự thảo các văn kiện và phương án công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025, ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành Trung ương, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho ý kiến vào ba nhóm nội dung, gồm: Dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy và dự thảo nghị quyết trình đại hội đảng bộ; dự thảo báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành đảng bộ; phương án nhân sự của cấp ủy đảng bộ. Đối với phương án nhân sự của cấp ủy, cho ý kiến về quá trình chuẩn bị nhân sự, số lượng ban chấp hành, ban thường vụ và tiêu chuẩn, nhất là cơ cấu về độ tuổi, tỉ lệ tuổi trẻ, tỉ lệ nữ, tỉ lệ tái cử. Căn cứ vào ý kiến kết luận của đồng chí chủ trì hội nghị và ý kiến các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban, bộ, ngành Trung ương, các đảng bộ sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo các văn kiện và phương án công tác nhân sự đại hội để tổ chức thành công đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Tính đến ngày 19-9-2020, Bộ Chính trị đã làm việc với 63/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương. |