Nguồn tin Pháp Luật TP.HCMcho hay Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa báo cáo Chính phủ dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB), luật mới, tách từ Luật GTĐB năm 2008. Trong đó, Bộ Công an nêu ý kiến của mình về công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lần này không quy định cụ thể về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe như đã trình ra Quốc hội khóa XIV. Ảnh: THY NHUNG
Bộ Công an đóng vai trò giám sát
Theo đó, Bộ Công an cho rằng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do vậy, dự án Luật Trật tự, an toàn GTĐB lần này không quy định cụ thể về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX như đã trình ra Quốc hội khóa XIV, thay vào đó để Chính phủ phân công.
Đối với việc giao đơn vị nào quản lý nhà nước công tác trên, Bộ Công an cho biết trong quá trình xây dựng Luật Trật tự, an toàn GTĐB, Bộ Công an và Bộ GTVT thống nhất chuyển giao công tác này và đã được nhiều ý kiến đồng thuận.
Tuy nhiên, Nghị quyết 13/2021 của Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục tổng kết, phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng quá trình thực hiện trong thời gian qua. Song song đó, việc thuyết minh, giải trình về đề xuất giao Bộ GTVT hoặc Bộ Công an quản lý cần thuyết phục, có cơ sở vững chắc.
Ngay sau phiên họp Chính phủ, ngày 25-1, Bộ Công an tổ chức tọa đàm về dự án Luật Trật tự, an toàn GTĐB có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, chuyên gia. Riêng nội dung về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Công an cần có báo cáo đánh giá tác động rõ hơn về việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Trong đó, đặc biệt lưu ý đánh giá về việc chuyển giao nhiệm vụ sẽ tạo ra cơ chế quản lý mới, tốt hơn, chặt chẽ hơn, đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước.
Trên cơ sở các ý kiến trên, Bộ Công an đề nghị chưa thay đổi cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ có cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đảm bảo có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Hiện báo cáo trên của Bộ Công an đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ…
Đa số không đồng tình chuyển việc cấp GPLX sang Bộ Công an
Liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, một nguồn tin khác cho biết theo kết quả lấy phiếu thăm dò của Bộ GTVT đối với các sở GTVT, trung tâm đào tạo lái xe cho thấy đa số không đồng tình việc chuyển giao công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết từ năm 1995, khi tiếp nhận công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ Công an, Bộ GTVT đã quản lý tốt, ổn định công tác này. Nếu thay đổi sẽ gây xáo trộn xã hội rất lớn, sẽ có hàng ngàn cán bộ, nhân viên thuộc ngành giao thông mất việc hoặc phải chuyển đổi ngành nghề khác. Trong khi đó, Bộ Công an phải tuyển dụng và đào tạo đội ngũ làm nhiệm vụ này, đầu tư trang thiết bị mới dẫn tới tốn kém ngân sách.
“Nếu Bộ Công an đảm nhận công tác này sẽ phải khép kín từ đào tạo, sát hạch và cấp GPLX đến xử lý vi phạm. Việc này có thể thuận lợi cho ngành công an nhưng có đảm bảo cơ chế giám sát quyền lực không? Quan điểm của chúng tôi là không tán thành chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT về Bộ Công an” - ông Thanh nói.
Cùng quan điểm, TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức, cho rằng việc chuyển giao đào tạo, sát hạch và cấp GPLX sang Bộ Công an sẽ làm xáo trộn bộ máy quản lý, tiêu tốn ngân sách nhà nước. Theo ông Tuấn, việc chuyển đổi chỉ thực hiện khi Bộ GTVT không đủ năng lực để quản lý công tác này.
“Hiện nay, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trên thế giới hầu hết do dân sự quản lý. Nếu gộp chung, một ngành vừa làm công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và thực hiện luôn công tác kiểm tra, giám sát sẽ yếu đi công tác kiểm tra, giám sát, không đảm bảo tam quyền phân lập như nhiều đại biểu Quốc hội đã từng nêu” - ông Tuấn lý giải.•
Bộ Công an tiếp tục đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ Bộ Công an cho biết sau phiên họp Chính phủ cuối năm 2021, đơn vị tổ chức buổi làm việc với Bộ GTVT để rà soát các nội dung còn trùng lặp giữa Luật Trật tự, an toàn GTĐB và Luật GTĐB. Qua buổi làm việc, lãnh đạo hai bộ và các cơ quan chuyên môn của hai bộ đã thống nhất điều chỉnh lại nội dung dự thảo hai luật theo hướng các nội dung quy định về đảm bảo an toàn cho người, phương tiện quy định tại Luật Trật tự, an toàn GTĐB; các nội dung quy định về kết cấu hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải quy định tại Luật GTĐB. |