Những ngày qua, miền Bắc thiếu điện đến nỗi nhiều khu vực phải cắt điện luân phiên, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân. Chiều 7-6, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi trao đổi với báo chí để cung cấp thông tin cụ thể về tình hình cung ứng điện hiện nay.
Nhân viên điện lực Hà Nội xử lý các sự cố về điện. Ảnh: EVNHANOI |
Miền Bắc nguy cơ thiếu điện hầu hết các giờ trong ngày
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết hiện việc cung ứng điện cho các khu vực miền Nam, miền Trung nhìn chung sẽ được đảm bảo do có nhiều nguồn điện. Hơn nữa, khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa mưa, phụ tải sẽ giảm và nguồn nước về các hồ thủy điện sẽ được cải thiện.
Riêng đối với miền Bắc, việc cung ứng điện sẽ khó khăn. Đặc trưng của khu vực này là nguồn thủy điện chiếm tỉ trọng lớn, tới 43,6% nhưng tính đến ngày 6-6, hầu hết các hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã về mực nước chết. Công suất khả dụng của thủy điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt.
Đối với nguồn nhiệt điện, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị, nhiều tổ máy nhiệt điện than bị sự cố dài. “Mặc dù nguồn nhiên liệu than cho phát điện đã được cấp tương đối đảm bảo nhưng đến ngày 6-6, nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934 MW, chiếm 76,6% công suất lắp đặt” - ông Hòa thông tin.
Ngoài ra, hiện khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Ông Hòa cho biết tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc, bao gồm cả điện nhập khẩu có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới.
“Hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình một ngày khoảng 30,9 triệu kWh, ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh. Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày” - ông Hòa thông tin.
Ông Hòa bày tỏ mong muốn người dân, doanh nghiệp chia sẻ với khó khăn của ngành điện, cùng chung tay để vượt qua tình hình căng thẳng về cung ứng điện.
“Với bất kỳ lý do gì thì việc để thiếu điện cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý nhà nước, của ngành điện. Thay mặt cơ quan quản lý nhà nước cũng như ngành điện, chúng tôi gửi lời xin lỗi tới nhân dân, doanh nghiệp” - ông Hòa nói.
“Với bất kỳ lý do gì thì việc để thiếu điện cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý nhà nước, ngành điện. Thay mặt cơ quan quản lý nhà nước cũng như ngành điện, chúng tôi gửi lời xin lỗi tới nhân dân, doanh nghiệp.”
Giải pháp trước mắt
Trước tình hình thiếu điện như trên, ông Hòa cho hay Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo cung ứng điện.
Đơn cử như đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể các nhà máy nhiệt điện, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thủy điện, đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Bộ yêu cầu EVN đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành. Đồng thời, tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6.
Thông tin về các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ông Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty Mua bán điện (EPTC), cho biết đến ngày 7-6 đã có 66/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ để đàm phán giá điện, trong đó có 56 dự án đã đề nghị giá tạm.
Hiện có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có chín dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62 MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Hiện vẫn còn 19 dự án chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Trước phản ánh tình trạng gây khó dễ trong thực hiện thủ tục tại các dự án này, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, cho biết sẵn sàng công khai số điện thoại “nóng” để nghe phản ánh.•
Tiêu chí cắt giảm điện
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) sẽ căn cứ vào Thông tư 34 của Bộ Công Thương để phân bổ cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Từ đó, hai đơn vị này sẽ phân bổ sử dụng cho các cơ quan điện lực từng tỉnh, TP. Sau đó, điện lực địa phương sẽ xây dựng kế hoạch theo thứ tự ưu tiên từng loại khách hàng. Trên nguyên tắc đó, các công ty điện lực sẽ báo cáo, thông qua UBND tỉnh về các phương án và thực hiện tiết giảm.
Việc tiết giảm dựa trên nguyên tắc ưu tiên khách hàng sử dụng điện quan trọng được UBND tỉnh phê duyệt và ưu tiên hoạt động phục vụ chính trị, xã hội quan trọng. Thứ hai, ưu tiên các ngành nghề thiết yếu như sản xuất nước sạch, thực phẩm thiết yếu, cơ sở có nhiều lao động…
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN