Bộ Giáo dục: Không có chuyện đề thi Văn tốt nghiệp trùng đề thi thử

(PLO)- Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, không có chuyện đề thi Văn tốt nghiệp trùng đề thi thử của tỉnh Nghệ An hay đề thi vào lớp 10 của TP Hà Nội. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại buổi họp báo thông tin kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tổ chức chiều 29-6 tại Hà Nội, phóng viên đặt câu hỏi thắc mắc về phần nghị luận xã hội của đề thi Văn trùng với đề thi vào lớp 10 của Sở GD-ĐT Hà Nội, đề nghị luận văn học trùng với đề thi thử của Nghệ An.

Trả lời vấn đề này, GS Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng ban đề thi, cho biết đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa vào quy trình kiểm soát trùng lặp nội dung đã thi, bằng cách sử dụng các phần mềm.

GS Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng ban đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Phi Hùng

GS Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng ban đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Phi Hùng

Cụ thể, số lượng dữ liệu Bộ GD-ĐT thu thập được lên tới 120Gb, bao gồm các đề đã thi, câu hỏi tìm kiếm được trên mạng và các cơ sở giáo dục gửi tới.

Tất cả các môn thi đều sử dụng cách thức này nên đã hạn chế rất nhiều phần trùng lặp. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này còn phụ thuộc vào dữ liệu chúng ta có.

Với thông tin trùng lặp đề thi Ngữ văn của tỉnh Nghệ An, ông Hà cho biết, phần ngữ liệu có thể sẽ có sự trùng lặp, tuy nhiên, điều quan trọng là lệnh hỏi khác nhau.

Vì chương trình môn Văn có 17 tác phẩm, trong đó chỉ sử dụng được 15 tác phẩm (2 tác phẩm không thuộc phần giao của chương trình giáo dục thường xuyên). Mỗi tỉnh có 2-3 lần thi thử nên không tránh khỏi việc trùng dữ liệu.

Hơn thế nữa, về vấn đề trùng lặp đề của Nghệ An, đây là trường hợp Bộ GD-ĐT không có dữ liệu, vì không tìm được đề này trên mạng nên hệ thống không thể quét được để tránh.

Nói về thông tin dư luận cho rằng đề Văn thi tốt nghiệp THPT trùng với đề lớp 10 ở Hà Nội. Ông Hà cho hay, Hội đồng thi tốt nghiệp THPT vào làm việc từ ngày 2-6, khi kỳ thi lớp 10 chưa diễn ra, nên chúng tôi không có thông tin về đề Văn của Hà Nội”. Ông cũng khẳng định, ngữ liệu và lệnh hỏi của 2 đề là hoàn toàn khác nhau.

Trả lời liên quan đến ý kiến cách ra đề văn theo lỗi cũ, ít tính mở, ông Hà cho biết, đề thi Ngữ văn có 2 phần Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu cơ bản ngữ liệu sử dụng không nhất thiết phải nằm trong chương trình, đây là điểm mới, có tính mở cao.

Với phần Đọc hiểu, tổ ra đề luôn hướng đến các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục. Với phần Làm văn, học sinh năm nay vẫn đang học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và đề thi phải ra trong tác phẩm nằm trong chương trình theo như quy định. Đây cũng là lý do phần ngữ liệu các đề thi có thể có sự trùng lặp.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn đề thi chưa đảm bảo sự phân hóa, ông Hà cho biết, Bộ GD-ĐT trong quá trình ra đề thi luôn chú trọng việc đề thi phải đảm bảo tính công bằng, thể hiện qua việc phải phân hóa được học sinh. Cụ thể, đề thi năm nay có 50% là mức độ thông hiểu, 25% là mức độ nhận biết, 25% là vận dụng và vận dụng cao.

Để tránh xảy ra sự cố giống như năm 2021, “cán bộ có thể thao túng đề thi”, ông Hà cho biết, năm nay, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh quy trình thông qua một số biện pháp. Mặc dù thầy cô ra đề là đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn tập huấn lại công tác ra đề thi, đảm bảo đề đáp ứng 4 cấp độ thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dung cao. “Khi thầy cô nắm kỹ nguyên tắc này có thể tạo ra một đề thi mang tính phân hóa”.

Ngoài ra, việc ra đề phải đảm bảo tính bảo mật. Vì thế, những người giới thiệu đề, soạn đề, lựa chọn câu hỏi vào ngân hàng đề phải là những người khác nhau.

Bổ sung thêm ý kiến, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, đến năm 2025, đề thi có thể sẽ có tính mở nhiều hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm