Tại hội thảo góp ý BLHS (sửa đổi) dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp do Ủy ban Tư pháp, Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 14-5, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là có nên bỏ tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hay không.
Bỏ vì chung chung, dễ bị lạm dụng
Dự thảo luật bỏ tội danh này vì đã quy định 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc các lĩnh vực, đồng thời còn có thêm một số điều khoản mang tính chất cố ý làm trái trong các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng thuốc gây nghiện... Trong chương các tội phạm về chức vụ cũng đã quy định một số tội danh chung liên quan đến hành vi cố ý làm trái của người có chức vụ, quyền hạn như tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…
Tại hội thảo, luật sư (LS) Phan Trung Hoài (Đoàn LS TP.HCM) và nhiều đại biểu ủng hộ việc bỏ tội cố ý làm trái... Bởi lẽ đây là một tội danh rất chung chung, có phạm vi rộng nhưng lại không cụ thể, không rõ ràng, “như một cái túi để có thể vận dụng xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào”. Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ bị lạm dụng.
Một đại biểu đang góp ý tại hội thảo. Ảnh: P.LOAN
Theo LS Hoài, quy định về các tội phạm kinh tế quá nhiều, “nhìn đâu cũng thấy tội phạm”. “Khởi tố tràn lan thì lấy đâu nhà tạm giữ, trại tạm giam? Làm ăn thì lời ăn lỗ chịu, do đó thua lỗ khác với hậu quả thiệt hại nhưng hiện nay còn đánh đồng hai khái niệm này. Cần xác định rõ thế nào là thiệt hại chứ hiện nay quan điểm đánh giá hậu quả rất trái nhau. Án kinh tế vướng mắc lớn nhất ở khâu giám định, giám định thiệt hại sai sẽ dẫn đến đánh giá tính chất, mức độ tội phạm sai” - LS Hoài nói. Ông dẫn chứng: “Vụ Công ty Cho thuê tài chính II thiệt hại 100 tỉ đồng, trong khi đó tài sản thu giữ do ngân hàng đảm bảo cũng là 100 tỉ đồng thì không được xem xét”.
Từ đó, LS Hoài đề nghị: “Cần xem xét xây dựng điều luật theo hướng xác định hậu quả phải rõ ràng, không thể mở rộng quyền suy đoán theo kiểu vi phạm quy định khác. Như vậy dễ dẫn đến áp dụng pháp luật tùy tiện, gây oan sai nhiều”.
Mặt khác, theo LS Hoài, thực tiễn đang có hiện tượng lạm dụng bắt tạm giam trong án kinh tế trong khi lại không thay thế bằng các biện pháp bảo lãnh và đặt tiền, tài sản đảm bảo. Ông kể lại trong vụ án Đông Nam (buôn lậu ĐTDĐ), cơ quan tố tụng trả lời LS là muốn bảo lãnh thì phải nộp tiền bằng đúng hậu quả mà cơ quan giám định xác định anh buôn lậu. Đây là nhận thức rất không đúng về cơ chế nộp tiền bảo lãnh. “Đề nghị trong các vụ án kinh tế cần áp dụng các biện pháp bảo lãnh bằng cách đặt tiền và tài sản đảm bảo” - LS Hoài nói.
LS Phan Thông Anh (Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) cũng cho rằng bỏ tội danh này là cần thiết, thay bằng một số tội danh mới mang đặc trưng cố ý làm trái trong từng lĩnh vực cụ thể như chứng khoán, bảo hiểm… và bổ sung làm rõ cấu thành của những tội có sẵn như trốn thuế, các tội trong lĩnh vực quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên rừng…
Giữ để tránh bỏ lọt tội phạm
Ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng cần duy trì tội danh này vì không thể cụ thể hóa được tất cả vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ thì sẽ có những trường hợp phạm tội không xử lý được và sẽ bỏ lọt tội phạm.
Theo LS Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM), hành vi cố ý làm trái tức là biết hành vi của mình là sai nhưng vẫn làm đến cùng, gây hậu quả nghiêm trọng nên cần giữ tội danh này để răn đe, giáo dục nhằm phòng ngừa mối nguy hại cho xã hội. Tuy nhiên, để xác định được thế nào là lỗi cố ý cần áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trước, nếu tiếp tục vi phạm thì mới xử lý hình sự.
LS Hải nêu ví dụ: “Trước đây một số cán bộ Công ty Vinashin đã vi phạm pháp luật, gây thiệt hại, tổn thất rất lớn, nếu bỏ tội này thì tính sao đối với tổn thất mà họ gây ra? Hành vi trái pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của những cán bộ đó cần phải bị răn đe, trừng trị nhằm mục đích phòng ngừa, giáo dục những doanh nghiệp khác”.
LS Trương Đình Tùng (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng việc bỏ tội này là làm tổn thất lớn cho quốc gia và người dân về tài chính, ảnh hưởng đến cạnh tranh công bằng khi người điều hành doanh nghiệp nhà nước sẽ có lợi thế, dễ thao túng để trục lợi...
Mở rộng hình phạt tiền Theo LS Hà Hải, cần mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh tế và môi trường. Ngoài ra cần mở rộng áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các loại tội do lỗi vô ý. Đồng tình, LS Phan Trung Hoài dẫn chứng một tòa ở Berlin (Đức) xử một vụ đi câu trộm cá. Bị cáo có tiền án, tiền sự, đang trong tình trạng bị vợ bỏ. HĐXX phạt 20 đơn vị tiền, mỗi đơn vị bằng 20 euro. Thẩm phán giải thích luôn nếu bị cáo không có tiền thì có thể đăng ký đi lao động công ích, nếu không thì có thể chọn cách vào tù (mỗi đơn vị bằng một ngày tù). Dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam, LS Hoài cho rằng khi quy định nộp tiền thay phạt tù thì phải đi liền với các tiêu chí cụ thể chứ không thể nói nộp tiền thay đi tù là bảo vệ người giàu, hoặc đi tù là chạy trốn tất cả nghĩa vụ về mặt tài sản… |