Theo Bộ LĐ-TB&XH, những nội dung trong Thông tư số 40/2016 chủ yếu là hướng dẫn về biểu mẫu, báo cáo và không có đầy đủ các bộ phận cấu thành một thủ tục hành chính nên không được coi là thủ tục hành chính.
Theo phản ánh của các địa phương cũng như các tổ chức và doanh nghiệp, việc triển khai thực hiện Thông tư số 40/2016 trong thời gian qua chưa có vướng mắc phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính.
Hướng khắc phục, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đang tiến hành rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tổng hợp các vướng mắc, bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2016 và Thông tư số 40/2016 để đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp thực tiễn.
Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm. Ảnh: Internet
Về Điều 7 Thông tư số 13/2017, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định không trái với quy định hiện hành của pháp luật hàng hải.
Liên quan đến xử lý trách nhiệm, Bộ LĐ-TB&XH chưa có báo cáo với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) vừa có văn bản “tuýt còi” một số thông tư do Bộ LĐ-TB&XH ban hành. Theo đó, kết quả kiểm tra 129 văn bản (ban hành từ ngày 1-1-2015 đến 31-10-2017) của Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị phát hiện bốn văn bản có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 40/2016 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có quy định: “Giấy phép lao động do Bộ LĐ-TB&XH phát hành thống nhất”. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 12 Nghị định 11/2016 của Chính phủ chỉ giao Bộ LĐ-TB&XH quy định mẫu giấy phép lao động. Như vậy, nội dung trên là không có cơ sở pháp lý, không đúng thẩm quyền và trái với quy định tại Nghị định 11.
Cục Kiểm tra văn bản cũng chỉ ra sai phạm tại Điều 7 Thông tư 13/2017 của bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định về khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải chưa phù hợp với Bộ luật Hàng hải và Nghị định 121/2014 của Chính phủ về cơ quan tiếp nhận khai báo tai nạn lao động hàng hải...
Đặc biệt, một số văn bản của Bộ LĐ-TB&XH có căn cứ ban hành văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Thông tư 55/2016 hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý và giáo dục chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn các cơ sở trợ giúp trẻ em...
Với những sai phạm trên, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tổ chức xem xét, xử lý theo quy định đối với những nội dung trái pháp luật của các văn bản theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, rà soát quá trình thực hiện các văn bản trái pháp luật để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật nêu trên gây ra (nếu có).
Đặc biệt, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét trách nhiệm đối với cán bộ, công chức tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật theo quy định.