Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chính sách mới, khuyến khích cán bộ đi công tác ở cơ sở trong 3 năm

(PLO)- Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh phải cử khoảng 5% cán bộ, viên chức trong biên chế đi công tác ở cơ sở…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Nội vụ vừa có tờ trình trình Chính phủ về dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Quan tâm, thu hút cán bộ có năng lực

Tại tờ trình, Bộ Nội vụ nêu rõ nguyên tắc khi xây dựng nghị định này là các chính sách, chế độ được áp dụng đối với tất cả các đối tượng chịu sự tác động của quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của cả hệ thống chính trị, không bỏ sót các đối tượng liên quan.

Đảm bảo chậm nhất sau năm năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành thì số lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị sau sắp xếp bảo đảm đúng quy định.

Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chính sách mới, khuyến khích cán bộ đi công tác ở cơ sở trong 3 năm
Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chính sách mới, khuyến khích cán bộ đi công tác ở cơ sở trong ba năm. Ảnh: HỒNG THẮM

Một nguyên tắc nữa là tập trung ưu tiên để khuyến khích các đối tượng nghỉ ngay trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp theo quyết định của cấp có thẩm quyền và ưu tiên khuyến khích đối với những người sắp đến tuổi nghỉ hưu.

“Một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách quy định ở các văn bản khác nhau thì được hưởng một chính sách cao nhất” – Bộ Nội vụ nêu rõ và khẳng định việc giải quyết chính sách, chế độ cần quan tâm duy trì, giữ chân cán bộ có năng lực, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ và gắn với thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào khu vực công.

Quy định này áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ; cán bộ, công chức cấp xã; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động trước thời điểm ngày 15-1-2019 và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức (người lao động).

Bộ Nội vụ cũng nêu rõ các chính sách, chế độ này không áp dụng với người đã có thông báo nghỉ hưu theo quy định trước ngày quyết định của cấp có thẩm quyền về sắp xếp tổ chức bộ máy có hiệu lực.

Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ tự nguyện nghỉ thôi việc thực hiện theo Nghị định khác của Chính phủ cũng không áp dụng các chính sách, chế độ này.

Cán bộ được khuyến khích đi cơ sở 3 năm

Dự thảo nghị định dành 9 điều quy định các chính sách, chế độ đối với cán bộ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó, đáng chú ý là chính sách khuyến khích cán bộ tăng cường đi công tác ở cơ sở trong thời gian ba năm.

Cụ thể, cán bộ ở các cơ quan Trung ương và địa phương được cơ quan có thẩm quyền cử tăng cường đến làm việc tại cơ quan Đảng, nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp xã, được hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi. Ngoài ra còn được hưởng trợ cấp một lần bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.

Đối với cán bộ ở các cơ quan Trung ương tăng cường đến làm việc tại cơ quan Đảng, nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh, cấp huyện thì được hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi. Đồng thời được trợ cấp một lần bằng ba tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.

“Trường hợp đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng các chính sách, chế độ quy định tại Nghị định 76/2019” – dự thảo nêu.

Các chế độ quy định nêu trên trong thời gian công tác ở cơ sở do cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi chi trả. Sau khi cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ sở, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp.

Đồng thời sẽ được nâng lương vượt một bậc, được cơ quan, đơn vị sử dụng đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì được Bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

Về nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ, dự thảo nghị định nêu rõ một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách, chế độ quy định tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách, chế độ cao nhất. Các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh phải cử khoảng 5% cán bộ trong biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị đi công tác ở cơ sở, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cần 130.000 tỉ đồng để thực hiện

Bộ Nội vụ cho hay cần 130.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách, chế độ với các cán bộ thuộc diện nêu trên. Bao gồm 111.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ; 4.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỉ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2.000 tỉ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.

Dự kiến, nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm