Bộ Quốc phòng trả lời cử tri về vấn đề mở rộng diện tạm hoãn nghĩa vụ quân sự

(PLO)- Bộ Quốc phòng vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đó, cử tri TP.HCM đề cập việc Luật Nghĩa vụ quân sự quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Như vậy, theo quy định trên, các em nằm trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự đang học tại các trường theo hệ trung cấp không được tạm hoãn nhập ngũ trong thời bình.

Cử tri TP.HCM kiến nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định cho phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP động viên thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2022. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP động viên thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2022. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Trả lời cử tri, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay từ năm 2015 về trước, Luật Nghĩa vụ quân sự quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với công dân đang học tại các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng và trường đại học.

Tuy nhiên, diện tạm hoãn quy định như vậy quá rộng, gây thiếu nguồn nhân lực trong tuyển quân, không bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ quân sự...

Cạnh đó, nhiều người lợi dụng việc đang học tập ở các cơ sở giáo dục, các loại hình đào tạo tại các cơ sở dạy nghề bậc trung cấp để né tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Khắc phục tình trạng này, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã thu hẹp hơn diện tạm hoãn nghĩa vụ quân sự so với trước. Mặt khác, để bảo đảm công bằng xã hội, công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ kéo dài đến hết 27 tuổi.

Quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với công dân đang đào tạo trình độ cao đẳng, đại học là hoàn toàn phù hợp với đời sống xã hội và nguyện vọng của người dân...

Hiện tại, diện tạm hoãn gọi nhập ngũ bình quân trên cả nước đến 56%, riêng TP.HCM là 72% so với tổng số thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ.

“Nếu mở rộng diện tạm hoãn với những công dân đang học tập chương trình đào tạo trung cấp, đào tạo nghề là chưa phù hợp với tình hình hiện nay”- Bộ Quốc phòng cho biết.

Dưới văn bản trả lời, Bộ Quốc phòng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP, HĐND các cấp tại địa phương phát huy vai trò giám sát về nội dung thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, không để vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, để pháp luật về nghĩa vụ quân sự được thực thi nghiêm túc, công khai, minh bạch, phát huy hiệu quả tích cực, thiết thực tại địa phương.

Sẽ đề xuất sửa BLHS để thống nhất

Ngoài ra, cử tri TP.HCM cũng kiến nghị xem xét, bổ sung quy định tăng mức hình phạt đối với thanh niên không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Trả lời nội dung này, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 37 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam.

Trong đó, khoản 1 Điều 7 Nghị định này điều chỉnh tăng mức xử phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Trước đó, hành vi này bị phạt từ 1,5 - 2,5 triệu đồng.

Nghị định bổ sung điều khoản phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

Phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Ngoài ra, BLHS 2015 quy định người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng, quy định trên chưa mô tả đầy đủ các hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự được quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015. Đồng thời, tạo ra nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau, gây khó khăn trong việc xử lý hình sự với các trường hợp vi phạm.

Thượng tướng Võ Minh Lương cho hay thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định tại BLHS để thống nhất với quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự, góp phần ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm