Sáng 27-7, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện chương trình này, Chính phủ đề xuất bố trí tối thiểu hơn 39.600 tỉ đồng từ ngân sách trung ương.
Phát biểu trước QH, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay nhiều ý kiến đại biểu QH mong muốn mục tiêu cuối cùng của chương trình là làm sao để “nông thôn là nơi chúng ta đáng sống, nơi chúng ta đáng tìm đến và nơi chúng ta quay về”.
“Hình ảnh xúc động những ngày COVID-19 vừa rồi, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người từ các thành thị trở về nông thôn để tránh dịch. Điều đó nói lên một cảm xúc cho chúng ta về nông thôn trong thời gian sắp tới” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ông Hoan cho rằng một trong những “cái bẫy” thời gian qua chính từ tên của chương trình là “xây dựng nông thôn mới”. Điều này khiến các địa phương, nhất là cấp cơ sở thiên về xây dựng hạ tầng, cầu, đường, trụ sở... “Tôi nghĩ chúng ta đã thiếu quan tâm tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế” - ông Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Hoan, bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng để tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với các tiện ích của đô thị, cần chú trọng hơn những phần mềm và những giá trị mới. Trong đó, “giá trị mới” là xây dựng bản sắc văn hóa, hồn cốt của nông thôn. “Tiện ích thì đô thị nhưng hồn cốt là hình thành không gian sống và không gian sản xuất cả ngàn năm nay. Chúng ta phải xem đó là một tài nguyên để giữ gìn…” - ông Hoan nhấn mạnh.
Trước đó, các đại biểu QH đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Giải trình trước QH, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay chúng ta đã trải qua sáu lần điều chỉnh tiêu chí và đến giai đoạn hiện nay, Việt Nam là một trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo ông Dung, giai đoạn 2021-2025, nước ta đặt ra mục tiêu cao hơn là giảm bình quân 1%-1,5% hộ nghèo mỗi năm. Trong khi đó, chuẩn nghèo được nâng từ mức thu nhập 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng ở khu vực nông thôn và từ 900.000 đồng lên 2 triệu đồng/tháng ở khu vực thành thị.
Ông Dung cho rằng với theo chuẩn mới, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng rất cao. Cụ thể, theo tiêu chí hiện nay, chúng ta có khoảng 160.000 hộ với 608.000 người nghèo; còn theo chuẩn mới ước khoảng 400.000 hộ với 1,5 triệu người.
“Giai đoạn này, chúng ta phải vừa lo giảm về tỉ lệ, đồng thời phải quan tâm hơn giảm nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt” - ông Dung nói.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH thông tin thêm Chương trình quốc gia về giảm nghèo có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, bao gồm các đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, kể cả những ảnh hưởng do COVID đối tượng nghèo kể cả ở nông thôn và thành thị.
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững do Chính phủ trình QH kiến nghị sử dụng nguồn vốn 75.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng 48.000 tỉ đồng còn lại là ngân sách địa phương.