Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Luật pháp chưa chặt chẽ, thủ tục rườm rà'

(PLO)-  Vì pháp luật như vậy nên theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc tham mưu, dự báo vừa phải nhanh, vừa phải chính xác vì doanh nghiệp, người dân không chờ đợi được

Chiều 21-7, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong phát biểu khai mạc hội nghị điểm qua nhiều kết quả và có những chia sẻ xuất phát từ thực tiễn.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện nay, công tác của ngành KH&ĐT càng khó khăn hơn vì vừa phải bám sát thực tiễn để dự báo và tham mưu chính sách cho các cấp, các ngành cách kịp thời, mau lẹ và phải thật chính xác. Khối lượng công việc của ngành KH&ĐT thì rất nhiều, tính chất công việc phức tạp, yêu cầu phải nhanh.

“Nhiều khi chỉ đi họp cũng không đủ thời gian. Tôi hay nói đùa từ nhiệm kỳ trước rằng cái khó nhất của Bộ trưởng KH&ĐT là phân công đi họp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho hay: Bộ KH&ĐT phải rất nỗ lực mới đáp ứng được các yêu cầu của Trung ương, Chính phủ và Quốc hội cũng như các cấp liên quan khác. Đồng thời, những vấn đề phát sinh không nằm trong kế hoạch được giao cho Bộ KH&ĐT cũng rất nhiều.

Mà công tác tham mưu cũng cần phải tuân thủ các quy định của luật pháp. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Luật pháp thì chưa chặt chẽ, thủ tục thì rườm rà, rắc rối. Nên công tác tham mưu vừa phải làm nhanh, chính xác chứ không để lâu được. Nếu để lâu thì xã hội, đất nước, người dân, doanh nghiệp không chờ được”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: CHÂN LUẬN

Theo ông, ngành KH&ĐT vừa qua dã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ và được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao, tin tưởng. Khi được giao nhiệm vụ thì Bộ KH&ĐT không thoái thác, luôn bám sát tình hình để thực hiện tốt nhất.

Về công tác xây dựng thể chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kể cách sinh động. “Có khi Bộ trưởng KH&ĐT đăng đàn ở các kỳ họp Quốc hội nhiều nhất. Mỗi kỳ họp Quốc hội tôi phải đăng đàn khoảng 10 lần, đọc báo cáo, tiếp thu, giải trình, trả lời, tham gia trả lời chất vấn”, Bộ trưởng nói và nêu ví dụ về Luật Đấu thầu (sửa đổi), Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua làm ví dụ.

Sau khi điểm qua các công tác kế hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập đến công tác quy hoạch, một nhiệm vụ lớn được triển khai nhanh từ đầu năm 2022 và khẳng định: “Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch nhưng không bỏ mặc chất lượng, không phó mặc cho tư vấn. Đây là cơ hội để sắp xếp, phân bổ, sử dụng nguồn lực đất nước cách hiệu quả”.

Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành KH&ĐT được yêu cầu trả lời ba câu hỏi quan trọng về khó khăn, thách thức, động lực tăng trưởng và các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: CHÂN LUẬN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần có nhiều nỗ lực để xây dựng một Nhà nước kiến tạo nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để đất nước phát triển trong thời gian tới. Bởi năm 2023, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,5%, nhưng 6 tháng qua tăng trưởng GDP chỉ đạt 3.72%. Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm nhằm bảo đảm tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết Quốc hội giao là rất nặng nề.

Quan trọng hơn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu năm 2023 không đạt tăng trưởng 6,5% thì nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ, cho giai đoạn 2025-2030, kể cả mục tiêu đến 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao như Đại hội XIII đề ra cũng rất khó thực hiện. Bởi vậy, theo Bộ trưởng, sơ kết 6 tháng, ngoài việc làm rõ những việc đã làm được, chưa làm được thì cần phải trả lời ba câu hỏi quan trọng.

“Khó khăn thách thức hiện nay là gì? Phản ứng chính sách với các diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và các nền kinh tế lớn ra sao? Đâu là động lực cho tăng trưởng hiện nay, giải pháp chính sách nào cho tăng trưởng trung hạn, dài hạn?”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 3 câu hỏi.

Bộ trưởng cũng thông tin thêm: sáng 21-7, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị về một số khó khăn, vướng mắc và xin ý kiến Bộ Chính trị về một số vấn đề như: tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng trong các dự án đầu tư công; giao quyền chủ đầu tư cho các địa phương và cơ chế sử dụng ngân sách của địa phương sao cho linh hoạt.

“Bộ Chính trị cơ bản đồng tình với các khó khăn, vướng mắc, rào cản hiện nay và giao Ban cán sự Đảng Chính phủ làm việc với Đảng đoàn Quốc hội nhằm thảo luận, làm rõ các vấn đề. Những việc cần làm ngay thì có thể ban hành Nghị quyết của QH để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và các địa phương”, Bộ trưởng thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới