Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Công tác chuẩn bị dự án còn tư duy nhiệm kỳ'

(PLO)- Những nguyên nhân của việc phân bổ vốn chậm được Chính phủ đề cập là do COVID-19, năng lực triển khai dự án, thủ tục phê duyệt, công tác chuẩn bị, tư duy nhiệm kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-5, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư trung hạn vốn Ngân sách Trung ương (NSTW) giai đoạn 2021-2025 còn lại, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTƯ trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo này.

Nhiệm kỳ trước chưa chuẩn bị cho kỳ sau

Theo báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, có trên 13.369 tỉ đồng của 45 dự án đã được Thủ tướng thông báo danh mục và mức vốn, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31-3-2023 theo đúng quy định.

"Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ giao kế hoạch vốn 13.369,468 tỉ đồng cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Số vốn nói trên vẫn chưa đáp ứng nhiệm vụ Quốc hội giao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, dù diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch bệnh COVID-19 đã tác động không nhỏ tới tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

“Công tác chuẩn bị dự án chưa được quan tâm đúng mức, còn tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ trước chưa chuẩn bị cho kỳ sau” - Bộ trưởng Dũng báo cáo.

Việc xây dựng, phê duyệt dự án phát phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, bố trí mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất..., thẩm quyền và thủ tục để phân cấp cho địa phương quản lý các dự án.

Ở một số nơi, năng lực trong triển khai thực hiện còn yếu, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: QH

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: QH

Một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ của dự án nhưng phải chờ đến thời điểm tổ chức kỳ họp HĐND cấp tỉnh nên chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

“Luật Đầu tư công đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Việc báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thời gian tại Nghị quyết 69/2022/QH15. Việc này có trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuẩn bị đầu tư dự án.

Do đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả; có hình thức xử lý thích hợp đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân làm chậm quá trình phân bổ vốn” - Bộ trưởng Dũng trình bày báo cáo.

Khó giải ngân hết 338.415 tỉ đồng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay kế hoạch vốn NSTW năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị là 338.415 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình là 137.844 tỉ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình là dự án khởi công mới nên khó có thể giải ngân hết được số vốn nêu trên.

Trong khi đó, một số nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cần sớm đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội yêu cầu hoàn thành việc giải ngân vốn của Chương trình trong hai năm 2022, 2023; thêm Quyết định 1513/2022 của Thủ tướng yêu cầu tỉ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương năm 2023 phải đạt tối thiểu 90%.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Quốc hội đặt ra và chỉ đạo của Thủ tướng, việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình là hết sức quan trọng, cấp thiết.

Quốc hội họp chiều 23-5 nghe về phân bổ vốn còn lại cho các dự án, chương trình mục tiêu. Ảnh: QH

Quốc hội họp chiều 23-5 nghe về phân bổ vốn còn lại cho các dự án, chương trình mục tiêu. Ảnh: QH

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được quyết định điều hòa nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.

Mục tiêu là để bố trí cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; dự án trọng điểm, liên kết vùng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có khả năng hấp thụ vốn trong năm 2023 nhưng không vượt quá tổng mức vốn đã được Thủ tướng giao kế hoạch trong năm 2023.

“Trong trường hợp cần thiết, giao Chính phủ chủ động điều hòa vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn NSTW đã được Quốc hội quyết nghị, bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn và báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh này tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV” - Bộ trưởng Dũng trình bày.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép bố trí nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong các năm 2024, 2025 để đảm bảo hoàn thành các dự án theo đúng Nghị quyết 43.

Chính phủ đề nghị điều chỉnh lại quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 70/2022/QH15 của Quốc hội về việc bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 theo hướng bố trí tối đa theo tiến độ thực hiện dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đề nghị rút kinh nghiệm

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, cho hay: Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy việc Chính phủ rà soát, hoàn thiện Tờ trình về phương án phân bổ vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là cần thiết, theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đúng thẩm quyền của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH

Đối với 45 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 13.369,468 tỉ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ đề nghị rà soát kỹ danh mục dự án, bảo đảm thời hạn hoàn thành các dự án theo quy định của Nghị quyết 43. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi và chỉ đạo các địa phương bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án theo đúng cam kết.

Đối với số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên 782 tỉ đồng, cơ quan thẩm tra đề nghị không phân bổ tiếp theo quy định tại khoản 10 Điều 2 của Nghị quyết 69/2022 của Quốc hội.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng có 10 ý kiến đối với các đề xuất của Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm