Từ ngày 6-9-2023, Nghị định 67/2023/NĐ-CP trong đó có quy định về bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới có hiệu lực. Tuy nhiên, thời gian qua cử tri hàng loạt địa phương trên cả nước như TP.HCM, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An… đã có công văn gửi Bộ Tài chính trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV kiến nghị cần đơn giản thủ tục giải quyết bồi thường cho bảo hiểm xe máy do thủ tục phức tạp, gây bức xúc cho nhân dân.
Đặc biệt, cử tri nhiều tỉnh thành bức xúc phản ánh hầu như rất ít người dân tham gia hưởng lợi, và đề xuất cần công khai chi trả đối với loại hình bảo hiểm này, đồng thời xem xét điều chỉnh quy định mua bảo hiểm xe máy nên là "tự nguyện" thay vì "bắt buộc" như hiện nay.
Thủ tục rườm rà, không được giải quyết
Tán đồng với kiến nghị của cử tri, ông Nam, một bạn đọc kể, năm 2016 ông mua bảo hiểm xe máy đầy đủ. Sau khi gặp rủi ro tai nạn, ông làm theo hướng dẫn của công ty bảo hiểm. Thế nhưng sau một tuần tập hợp đầy đủ giấy tờ, ông mang đến đại lý và công ty nhưng không được giải quyết.
“Tôi bỏ thời gian khoảng một tuần đi làm bảo hiểm mà cuối cùng không nhận lại được bất kỳ quyền lợi gì”- ông Nam bức xúc.
May mắn hơn, ông Nguyễn Thành Long kể cách đây khoảng bốn năm trong một lần lái ô tô nhưng không để ý có một xe bán tải "tạt đầu", khiến phần sau đuôi xe bán tải bị nứt.
"Sau khi va chạm xảy ra, tôi báo lực lượng công an đến hiện trường và lập biên bản vụ việc, song song đó liên lạc công ty bảo hiểm. Chủ xe yêu cầu tôi phải thay mới và hãng báo giá chi phí hết 10 triệu đồng. Sau khi có hồ sơ từ cơ quan công an, công ty bảo hiểm thẩm định và chỉ duyệt chi trả... 1,5 triệu đồng cho việc sửa chữa chứ không chấp nhận thay mới”- ông Long kể.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phúc (quận Phú Nhuận) cho biết, tôi đã mua bảo hiểm xe hai bánh và cả xe ô tô. "Với xe hai bánh thỉnh thoảng vẫn xảy ra rủi ro va chạm nhưng không liên lạc công ty bảo hiểm vì biết sẽ đòi hỏi các giấy tờ, mất thời gian đi lại, chưa kể không biết chi phí được bảo hiểm chi trả thế nào. Vì vậy, tôi mua bảo hiểm xe máy chỉ để đảm bảo thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông”- ông Phúc nói.
Nhiều người dân cho rằng mua bảo hiểm xe máy thì dễ nhưng đòi bồi thường quá khó, khi xảy ra tai nạn tùy mức độ hai bên đều tự thỏa thuận, giải quyết sẽ dễ dàng hơn so với phải mời cơ quan chức năng vào cuộc. Do đó, việc mua bảo hiểm xe máy không đem lại lợi ích nào trong trường hợp xảy ra rủi ro mà chỉ nhằm tránh bị phạt.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua Bộ đã có nhiều văn bản gửi các doanh nghiệp bảo hiểm chấn chỉnh về bảo hiểm bắt buộc. Trong đó lưu ý các vấn đề như duy trì hoạt động đường dây nóng, giám định bồi thường, bồi thường bảo hiểm, tạm ứng bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời cho chủ xe theo đúng quy định...
Thời gian tới Bộ sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định đồng thời sẽ tổng kết, đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách trong trường hợp cần thiết; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường bảo hiểm, chi trả hỗ trợ nhân đạo; đảm bảo bồi thường bảo hiểm diễn ra nhanh chóng đúng quy định, tránh trường hợp trục lợi bảo hiểm.
Bộ Tài chính cho biết Nghị định 67/2023 kế thừa bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm. Cụ thể, việc giám định bồi thường là do DN bảo hiểm chịu trách nhiệm, chỉ trường hợp tử vong, mới yêu cầu hồ sơ công an.
Chủ xe có thể cung cấp tài liệu về bồi thường dưới hình thức điện tử hoặc có thể cung cấp bằng chứng chứng minh việc sửa chữa thay mới tài sản bị thiệt hại. Trong vòng ba ngày làm việc, công ty bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Theo Nghị định 67/2023 dòng xe máy dưới 50cc, phí bảo hiểm là 55.000 đồng, khi xảy ra tai nạn gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người thứ ba số tiền tối đa bảo hiểm phải bồi thường cho một người trong một vụ tai nạn là 150 triệu đồng. Số tiền bồi thường căn cứ vào tỷ lệ tổn thương do cơ quan y tế xác định nguyên nhân với giới hạn trách nhiệm bảo hiểm là 150 triệu đồng.
Bồi thường bảo hiểm xe máy rất ít
Luật sư Nguyễn Văn Hậu Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, số liệu Bộ Tài chính công bố tính tới tháng 9-2022 thì doanh thu của các hãng bảo hiểm từ bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy đạt khoảng 1.077 tỉ đồng, trong khi chi phí bồi thường sau tai nạn chỉ vỏn vẹn 27 tỉ đồng.
Qua đó, cho thấy thực tế yêu cầu bồi thường bảo hiểm mô tô, xe máy rất ít khi gặp do tính chất của xe máy khi có tai nạn xảy ra đa phần là thiệt hại không lớn, va quẹt nhẹ. Thông thường các bên sẽ tự thương lượng giải quyết với nhau để đỡ tốn thời gian.
Theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 7 tháng đầu năm ước đạt 127.857 tỉ đồng. Trong đó bảo hiểm xe cơ giới, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 11.070 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 24,15%.
Trong khi đó, nếu chọn thực hiện thủ tục yêu cầu chi trả bảo hiểm xe máy, mô tô sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức hơn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thủ tục bồi thường thiệt hại từ cơ quan bảo hiểm ít hẳn so với ô tô.
“Đối với yêu cầu tư vấn đòi quyền lợi về bảo hiểm xe mô tô xe máy văn phòng cũng gặp qua một vài trường hợp. Theo đó, chúng tôi đã tư vấn pháp lý cho khách hàng, hướng dẫn các công việc cần thiết, tranh chấp giữa khách hàng và đơn vị kinh doanh bảo hiểm được giải quyết thông qua thương lượng thành công”- LS Hậu kể.
Bên cạnh đó Nghị định 67/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 6-9-2023, chỉ mới hơn một năm kể từ khi các quy phạm pháp luật mới liên quan đến thủ tục bảo hiểm được đưa vào thực tiễn.
Vì vậy, các công ty bảo hiểm cũng chưa hoàn toàn quen với việc áp dụng các quy trình, điều khoản pháp luật mới. Có nơi vẫn sử dụng các quy trình cũ dẫn đến hồ sơ bị thiếu sót so với quy định hiện hành, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ khiến người dân dần không còn thiết tha thực hiện các thủ tục bảo hiểm mà tự mình đi sửa chữa tại các cửa hàng.
Cần quy định theo hướng tự nguyện
Theo Luật sư Hậu, thực tế cho thấy bảo hiểm mô tô, xe máy đóng vai trò rất mờ nhạt trong việc chia sẻ rủi ro khi xảy ra tai nạn, người dân mua bảo hiểm mô tô, xe máy đa số chỉ mang tính “chống chế” do không thực sự mang lại giá trị như được kỳ vọng.
“Theo tôi, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nên được dựa trên sự tự nguyện của người dân. Nhà nước dần điều chỉnh quy định hiện hành sao cho việc mua bảo hiểm xe máy trở thành hình thức tự nguyện chứ không phải bắt buộc như hiện nay"- LS Hậu nói.
Bên cạnh đó, nếu việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là tự nguyện sẽ giúp thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm nhiều hơn.
Luật sư Nguyễn Minh Hương, Trưởng văn phòng Luật sư A Hòa, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết, với mức phí bảo hiểm xe cơ giới khoảng từ 50.000 đồng trở lên/năm, mức phí này không nhiều và không phải là sự kiện bảo hiểm xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế khi mua bảo hiểm người dân vẫn chưa được công ty bảo hiểm nêu rõ sự kiện bảo hiểm nào sẽ được chi trả, mức chi bao nhiêu.
Ngoài ra, dù nghị định quy định rõ về thủ tục hồ sơ để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi xảy ra tai nạn nhưng vấn đề này tương tự như bảo hiểm y tế hay hoàn thuế DN. Dù DN đảm bảo hồ sơ nhưng có công ty phải chờ mòn mỏi cả năm vẫn chưa được nhận. Như đã phản ảnh thực tế người dân mua bảo hiểm xe máy để đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông.
“Nhà nước cần có cải cách đối với quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Qua đó, để người dân nhận thấy lợi ích thiết thực của tham gia bảo hiểm là rủi ro được san sẻ, lúc đó chính sách mới có hiệu quả”- LS Hương nói.
Không mua bảo hiểm bị xử phạt, mua thì không được bồi thường thỏa đáng
Ngày 24-1-2024, trong kiến nghị gửi đến Bộ Giao Thông vận tải, cử tri tỉnh Hưng Yên cho biết theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP mức xử phạt với xe mô tô, xe gắn máy không mua bảo hiểm tự nguyện khi vi phạm giao thông 150.000 đồng. Tuy nhiên, khi người dân mua bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy gặp tai nạn công ty bán bảo hiểm không có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người dân, trốn tránh trách nhiệm bồi thường.
Do vậy, cử tri kiến nghị Bộ xem xét bỏ quy định xử phạt đối với người tham gia giao thông phải bắt buộc mua bảo hiểm tự nguyện cho xe mô tô, xe gắn máy vì nếu không mua thì bị cảnh sát giao thông xử phạt.
Còn khi mua bảo hiểm, có rủi ro xảy ra không được bồi thường thỏa đáng, công ty bán bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy lợi dụng vụ việc để trực lợi.
Bộ Giao Thông vận tải cho biết, đối với kiến nghị này cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn…