Chiều tối 28-5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong ngành để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến bốn vụ tai nạn đường sắt vừa qua.
Tại buổi họp, người đứng đầu ngành giao thông thay mặt lãnh đạo bộ xin chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân. “Tôi xin gửi lời xin lỗi gia đình nạn nhân các vụ tai nạn đường sắt thời gian qua. Tôi chịu trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành trong toàn ngành giao thông vận tải, trong đó có ngành đường sắt đã để xảy ra nhiều yếu kém thời gian qua" - ông Thể nói.
Đánh giá tình trạng an toàn giao thông trên tuyến đường sắt mấy ngày qua rất nghiêm trọng và những tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn đường sắt, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam phải thể hiện vai trò quản lý nhà nước bằng việc chỉ đạo thanh kiểm tra, rà soát quy trình, vận hành tàu đặc biệt tại các khu ga.
Bộ trưởng Giao thông cũng yêu cầu lãnh đạo bộ, đơn vị liên quan cũng phải chịu trách nhiệm trước những yếu kém của ngành đường sắt thời gian vừa qua.
Xác định ngành đường sắt đang lạc hậu, chưa ứng dụng được công nghệ tốt nhất vì đòi hỏi kinh phí lớn. Tuy nhiên, nếu không nâng cao chất lượng, an toàn đường sắt thì làm giảm niềm tin của người dân. "Với đà này thì ai còn tin vào ngành đường sắt, ai còn dám đi tàu nữa" - người đứng đầu ngành giao thông gay gắt.
Bộ trưởng cũng nhắc lại bốn vụ tai nạn nghiêm trọng trong bốn ngày. “Trong đó, vụ tại ga Núi Thành (thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng Nam), có cán bộ điều hành, trực ban, nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm, tại sao lại để xảy ra sự việc trên được” - Bộ trưởng đặt câu hỏi và cho rằng sự cố này rõ ràng là chủ quan.
Bộ trưởng cũng phê bình Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Cục Đường sắt Việt Nam khi các báo cáo tại buổi họp chỉ chung chung, thiếu trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng bớt đọc báo cáo và đưa ra giải pháp "làm ngay".
Cũng tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông (phụ trách đường sắt) đánh giá tai nạn đường sắt do nguyên nhân chủ quan ngày càng tăng nhưng nguyên nhân ở đâu thì VNR chưa chỉ ra được.
Ông Đông kể, khi xây dựng Luật Đường sắt 2005, VNR kiên quyết bảo vệ việc giao toàn bộ quyền về cho tổng công ty, từ quản lý, khai thác, tới đầu tư, bảo dưỡng, đi liền với đó là trách nhiệm. Nhưng thực tế, trách nhiệm của VNR đang mòn đi, tính kỷ cương không như luật trao cho quyền.
Với trách nhiệm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt, tôi xin nhận trách nhiệm trước bộ trưởng và chịu mọi hình thức kỷ luật của bộ trưởng. Ông VŨ ANH MINH, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) |