Trong nghị trường, có đại biểu Quốc hội cho rằng Bộ trưởng Nhạ nhận trách nhiệm chung chung; ngoài xã hội, không ít người nói xa nói gần về văn hóa từ chức…
Thật ra không phải đợi đến vụ gian lận thi cử thì dư luận mới đề cập đến vấn đề từ chức. Trước đó, khi xảy ra một số sự vụ ở các bộ, ngành khác, người ta cũng thường nói xa nói gần về điều này. Và thông thường báo chí và người dân hay viện dẫn những ví dụ về từ chức xảy ra tận đẩu tận đâu với ngầm ý so sánh. Gần đây nhất, người ta đọc thấy thông tin nữ bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Mexico từ chức sau khi bà bị chỉ trích đã làm hoãn chuyến bay hơn 30 phút để nhiều hành khách phải chờ.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm vụ gian lận thi cử trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Trở lại với chuyện gian lận thi cử, sòng phẳng mà nói, người dân trông chờ việc nhận trách nhiệm của người đứng đầu bộ GD&ĐT từ lâu lắm rồi chứ không phải đến kỳ họp Quốc hội này, sau gần một năm xảy ra vụ việc. Nhưng chậm còn hơn không, Bộ trưởng Nhạ cuối cùng cũng đã nhận trách nhiệm của mình trước cử tri và Quốc hội. Tuy nhiên, không ít người đặt câu hỏi rằng bộ trưởng nhận trách nhiệm rồi… sao nữa?
Xảy ra vụ gian lận thi cử, ngoài những người “nhúng chàm” đang bị điều tra, truy tố hình sự, có thể có quan chức còn phải nhận lãnh tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (nếu quá trình điều tra cơ quan tố tụng chứng minh được). Ngoài ra, người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Sơn La - ông Hoàng Tiến Đức cũng khó tránh khỏi trách nhiệm liên quan.
Cụ thể, theo thông tin từ báo Thanh Niên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La cũng đã vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của ông này. Chỉ có điều đến đầu tháng 7 này, ông Đức đã nghỉ hưu theo chế độ. Nếu từ đây đến đó, cơ quan chức năng chưa kịp làm rõ, kết luận vụ việc, chưa có hình thức xử lý tương xứng (nếu quả thật ông Đức có vi phạm) thì dư luận không tránh khỏi thất vọng. Bởi lẽ khi ông Đức đã nghỉ hưu, ngoại trừ việc xử lý hình sự, việc xử lý kỷ luật ông - kể cả việc xóa tư cách lãnh đạo nguyên giám đốc Sở GD&ĐT đối với ông - gần như không còn nhiều ý nghĩa lắm…
Nói như thế cũng chưa hẳn đúng hoàn toàn. Bởi với một ông quan thanh liêm, có lòng tự trọng cao, sai phạm không từ chủ ý tư lợi… thì việc bị xóa cái tư cách “nguyên” ấy nó cũng đớn đau ghê gớm lắm. Bằng ngược lại, cái “án kỷ luật” ấy nó chẳng làm cho người “hạ cánh an toàn” cảm thấy hề hấn gì.
Đối với các cán bộ, quan chức tỉnh Sơn La là vậy. Còn với các quan chức cấp bộ, cụ thể là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì mọi chuyện lại khác. Có thể nói ngay rằng trách nhiệm của bộ trưởng trong vụ này không phải và không thể là trách nhiệm pháp lý. Cái trách nhiệm mà Bộ trưởng Nhạ xin nhận trước Quốc hội có lẽ là trách nhiệm chính trị, tức trách nhiệm của một quan chức trước cử tri, dân chúng và Quốc hội. Trách nhiệm này liên quan đến sự tín nhiệm của cử tri, của Quốc hội đối với cá nhân bộ trưởng.
Theo quy định hiện hành, nếu qua bỏ phiếu, tỉ lệ “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” đối với bộ trưởng mà quá thấp, đồng thời tỉ lệ “tín nhiệm thấp” mà quá cao thì vị bộ trưởng có khả năng sẽ “mất ghế”. Nhưng để khả năng này thành hiện thực thì theo quy định, mọi chuyện còn phải trải qua nhiều công đoạn, thủ tục khác nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không đang đối diện với việc “sát hạch” bằng phiếu tín nhiệm này.
Ngoài ra, hiện ở nước ta việc từ chức chưa được luật hóa. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp trước, cụ thể là ngày 1-11-2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình từng nói từ chức là vấn đề mới, mang tính tự nguyện nếu người được bổ nhiệm thấy mình không còn đủ sức khỏe, uy tín và có vi phạm. “Trong Luật Cán bộ, công chức đã quy định các hình thức kỷ luật, với cán bộ thì có bãi nhiệm và miễn nhiệm nhưng pháp luật chưa quy định rõ việc từ chức…” - Phó Thủ tướng nói.
Như vậy có thể thấy việc từ chức ở ta hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào tính tự nguyện của cá nhân quan chức, nếu người đó thấy mình không còn đủ sức khỏe, uy tín và có vi phạm. Uy tín nếu không đo lường bằng phiếu thì cá nhân quan chức có thể tự cảm nhận qua nhiều kênh đánh giá khác nhau, trong đó có dư luận xã hội.
Và như ta đã biết, bà bộ trưởng Mexico không hề chờ có kết quả từ việc bỏ phiếu tín nhiệm mà đã lập tức từ chức khi có chỉ trích của dân chúng.
So sánh chuyện ở ta với chuyện xứ người không phải lúc nào cũng tương đồng, nhất là khi điều kiện kinh tế-xã hội, tập quán, văn hóa… giữa các quốc gia rất khác nhau. Tuy nhiên, dù ở nền văn hóa nào,ở điều kiện kinh tế-xã hội nào thì quan niệm về đạo đức công vụ, về lòng tự trọng, về tính liêm sỉ… cũng không quá khác biệt.