Ngày 6-8, đoàn công tác liên ngành của trung ương đã đi khảo sát kết quả năm năm thực hiện Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” tại TP Cần Thơ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin về SGK và việc in SGK tại buổi làm việc của đoàn công tác trung ương với TP Cần Thơ ngày 6-8. Ảnh: NN
Liên quan đến chương trình đổi mới sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đợt này đổi mới chương trình phổ thông rất bài bản, ở tất cả 19 môn học.
“Những lần trước đi từ SGK, sau đó chúng ta chuyển đổi từng cấp một… Đợt này, chúng ta đi theo phương pháp quốc tế, là đổi mới từ chương trình sau đó mới đến SGK. Chương trình làm sao phải giảm được tải. Chương trình của chúng ta có ưu điểm là thông tin kiến thức thì nhiều nhưng mà cái tiếp cận như hiện nay là tiếp cận theo kiểu các mô đun, nó không theo mạch, dẫn đến rất khó trong quá trình tổ chức giảng dạy. Bây giờ đổi mới, ngắn gọn thôi, theo mạch vấn đề. Trên cơ sở đấy tạo cơ hội cho các cô, thầy chủ động về phương pháp. Đấy cũng là cái mới, mà giảm thời gian cung cấp kiến thức, tăng thời gian phát triển năng lực, phẩm chất” - ông Nhạ nói.
Theo ông Nhạ, về mặt nguyên lý có cả rồi nhưng quá trình thực hiện phải xin ý kiến. Đây là vấn đề phải xin ý kiến rộng rãi cả xã hội, thầy cô. Mặc dù có chỉ đạo rồi nhưng phải tiếp tục xin ý kiến rộng rãi để làm sao khi ban hành phải được sự đồng thuận cao, lúc ấy mới đi vào cuộc sống được.
"Liên quan đến SGK thì phải có chương trình xong mới có SGK, quan điểm chỉ đạo là một chương trình thì có một số bộ sách SGK nhưng không có nghĩa muốn viết thế nào thì viết. Vì SGK ấy phải có chuẩn và trên cơ sở được hội đồng quốc gia duyệt về mặt chuyên môn. Ai có đủ điều kiện có thể viết để huy động được trí tuệ các tầng lớp nhưng mà phải có kiểm soát chứ không phải viết một cách tùy tiện" - ông Nhạ cho biết.
Theo Bộ trưởng Nhạ, điểm thứ hai, trong lúc thực hiện theo cuốn chiếu, phải có sự chuẩn bị chủ động của một đơn vị để có sách dùng ngay, còn sau đó thì có thể nhiều bộ sách khác. Nghị quyết của Quốc hội giao cho Bộ GD&ĐT chỉ đạo, chúng tôi đang chuẩn bị chương trình này theo hướng đấu thầu. Theo thống kê, có bốn NXB được phép in SGK.
“Tinh thần chúng tôi công bố và tất cả NXB theo hướng đấu thầu cạnh tranh, tránh tình trạng độc quyền. NXB Giáo Dục không phải là người được chỉ định thầu mà tham gia cũng như các NXB khác theo các tiêu chí công khai, minh bạch. Sau đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân, thậm chí các địa phương có điều kiện nhưng trên cơ sở cái chuẩn về SGK. Đây cũng là đổi mới nhưng mà cũng tạo ra nhiều phức tạp nếu không quản lý tốt” - ông Nhạ thông tin.