Bộ trưởng Y tế, Nội vụ, GD&ĐT nêu các giải pháp trước việc cán bộ nghỉ việc

(PLO)- Các tư lệnh ngành đều cho hay đã thấy cũng như hiểu rõ các vấn đề mà các đại biểu nêu ra và đã có các giải pháp về nhân lực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 27-10, ba tư lệnh ngành Y tế, GD&ĐT và Nội vụ đã giải trình về một số vấn đề “nóng” được các đại biểu đề cập tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Y tế ĐÀO HỒNG LAN:

Sửa quy định hỗ trợ phụ cấp với nhân viên y tế cơ sở...

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

“Ngành y tế đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết” - tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói trước diễn đàn Quốc hội.

Liên quan đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, bà Lan cho rằng đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, làn sóng chuyển dịch nguồn nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư nhân diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. “Dự báo hệ thống y tế toàn cầu thiếu khoảng 15 triệu nhân lực vào năm 2022” - bà Lan nêu đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỉ lệ nhân viên y tế trên quy mô dân số ở mức thấp hơn so với tỉ lệ trung bình của thế giới. Hiện chúng ta có khoảng 10 bác sĩ và ba điều dưỡng trên 10.000 dân.

“Chúng tôi thấy quy mô và phạm vi dịch chuyển diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến, từ cấp y tế cơ sở, trạm y tế đến các bệnh viện địa phương, trung ương...” - bà Lan nhấn mạnh.

Về giải pháp thời gian tới, bà Lan cho hay Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. Cạnh đó là các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Để tăng nhân lực y tế, chúng tôi xin phép được báo cáo trong phiên trả lời chất vấn cùng bộ trưởng Bộ Nội vụ sắp tới” - bà Lan nói thêm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN KIM SƠN:

Cân nhắc việc giảm biên chế 10% với giáo viên

Ông Nguyễn Kim Sơn cho hay Bộ GD&ĐT nhận được trên 200 ý kiến của cử tri bày tỏ băn khoăn, lo lắng về việc thiếu giáo viên và hiện tượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Theo tư lệnh ngành GD&ĐT, đây là hai vấn đề khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết.

Về thiếu giáo viên, Bộ trưởng Sơn cho biết từ nay đến năm 2026, ngành giáo dục cần bù đắp 107.000 giáo viên, con số này còn có thể biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc như hiện nay.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng, một trong những chính sách quan trọng là tăng lương. “Đây là giải pháp quan trọng giải quyết đời sống và tâm lý cho giáo viên yên tâm công tác” - ông Sơn nói và cho biết giáo viên thiếu và bỏ việc nhiều nhất là giáo viên mầm non, chiếm trên 40%.

Bộ trưởng đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, cụ thể tăng phụ cấp cho nhóm này tương tự phụ cấp ưu đãi y tế cấp cơ sở lên 100%, tối thiểu cũng tăng lên 70%, ngang mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở (hiện phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non là 35%).

“Ngành GD&ĐT đề nghị và hết sức mong muốn nâng phụ cấp ưu đãi, đặc biệt với giáo viên mầm non” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng đề nghị cân nhắc thực hiện chính sách giảm biên chế 10% với giáo viên, đồng thời kiến nghị các địa phương giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ PHẠM THỊ THANH TRÀ:

Nghỉ việc hàng loạt là vấn đề đáng quan ngại

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, thống kê từ 1-1-2020 đến 30-6-2022 cho thấy, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là hơn 39.500 người. Trong đó, số công chức là hơn 4.000 người, chiếm 10% tổng số công chức, viên chức thôi việc; viên chức là hơn 35.500 người, chiếm 90%. Tính theo lĩnh vực, ngành giáo dục có hơn 16.400 người (chiếm hơn 41%), y tế gần 12.200 người (chiếm gần 31%).

Từ số liệu trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn (1,94%) nhưng tập trung ở lĩnh vực trọng điểm giáo dục và y tế. Do vậy, đây là thách thức cho sự nghiệp công, trực tiếp chăm lo cho nhân tố con người.

“Số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc hàng loạt trong hơn hai năm qua là điều chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc và cũng là vấn đề đáng quan ngại” - bà Trà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thông tin thêm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay nhìn ra thế giới, tình trạng công chức, viên chức thôi việc là tình trạng chung của nhiều nước. Qua nghiên cứu, cán bộ công chức nghỉ việc rất cao trong hơn hai năm diễn ra dịch bệnh.

Theo bà Trà, nguyên nhân của tình trạng này cần nhìn nhận toàn diện.

Về khách quan, bộ trưởng cho rằng việc công chức, viên chức dịch chuyển từ công sang tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động khu vực công và khu vực tư...

Về chủ quan, tư lệnh ngành nội vụ đánh giá thu nhập, tiền lương của công chức viên chức còn thấp hơn khu vực công dù cùng trình độ. Áp lực công việc của công chức, viên chức ngày càng cao...

Thêm vào đó, môi trường làm việc một số nơi chưa tạo động lực cho công chức, viên chức phát huy năng lực sở trường. Quản trị trong khu vực công vẫn theo lề lối cũ, chưa khích lệ người lao động làm việc. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị chưa quan tâm tới công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chưa tạo động lực cho họ tích cực làm việc trách nhiệm, cống hiến cho sự nghiệp...

Về giải pháp, bộ trưởng cho rằng cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ. Trong đó, bà Trà lưu ý việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.

Giải pháp khác là tiếp tục có những hệ thống thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời quan tâm rà soát, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ chất lượng, hiệu quả hơn nữa.

Bà cũng đề cập về xây dựng chính sách thu hút người tài năng; năng lực của đội ngũ lãnh đạo; môi trường làm việc; cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm