Bốn kế sách đối phó Trung Quốc

Mỹ phải thôi đứng ngoài cuộc trong khi Trung Quốc (TQ) tăng cường gây hấn ở biển Đông. Luật sư Paul J. Leaf đã kêu gọi như trên trong bài viết trên báo The Daily Caller của Mỹ (thành viên truyền thông của Nhà Trắng) hôm 3-6.

Luật sư Paul J. Leaf đã điểm lại các sự kiện từ năm 2011 đến nay cho thấy TQ liên tục có hành động hung hăng ở biển Đông và biển Hoa Đông. Gần đây nhất là ngày 1-5, TQ đã ngang nhiên cắm giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Ông nhận định TQ đang đánh giá quyết tâm của Mỹ trong ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng TQ. Và TQ sẽ tiếp tục thế đối đầu hiếu chiến đến khi nào hất cẳng được Mỹ ở châu Á hoặc vấp phải phản ứng quyết liệt từ khu vực và quốc tế.

Ngư dân Việt Nam được chăm sóc y tế ở đảo Lý Sơn ngày 29-5 sau khi tàu cá của họ bị tàu TQ đâm chìm. Ảnh: REUTERS

Để đối phó với TQ, luật sư Paul J. Leaf đưa ra bốn kế sách:

Gây căng thẳng thì phải trả giá đắt: Mỹ nên tuyên bố nếu TQ tiếp tục dùng vũ lực như hiện thời với Việt Nam trên biển Đông thì Mỹ sẽ triển khai hải quân và không quân đến gần giàn khoan Hải Dương 981. Mỹ cũng cần cân nhắc trừng phạt các công ty dầu khí của TQ và giới lãnh đạo TQ.

Việt Nam nên tiếp tục đối thoại với TQ nhưng nhất định không được đơn phương rút tàu trước như TQ yêu cầu. Tại bãi cạn Scarborough, Mỹ từng đứng ra làm trung gian yêu cầu TQ và Philippines cùng rút tàu. Philippines làm theo còn TQ vẫn để tàu lại và kiểm soát luôn bãi cạn. Ngoài ra, Việt Nam nên tiếp tục vận động quốc tế ủng hộ và vạch trần bộ mặt xấu xí của TQ. Việt Nam sẽ có lợi nếu TQ bị gán cho hình ảnh là kẻ đơn phương đi xâm lược.

Tăng cường năng lực quốc phòng: Việt Nam cần mua thêm vũ khí và được Mỹ, Nhật, Ấn Độ hỗ trợ thêm. Do đó, Mỹ cần xem xét lại lệnh cấm bán vũ khí đối với Việt Nam.

Để gia tăng ngân sách quốc phòng, Việt Nam có thể đề nghị các công ty dầu khí của các nước muốn mua vũ khí (Mỹ, Nhật, Ấn Độ…) chia sẻ quyền khai thác tài nguyên trên biển Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ, Việt Nam và các nước có mâu thuẫn với TQ nên hợp tác tập trận đa phương.

Cho Mỹ mở lại căn cứ quân sự: Việt Nam có thể hạn chế quyền kiểm soát của Mỹ ở các căn cứ quân sự này nhưng nên cho phép Mỹ luân chuyển lực lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như trang bị thiết bị quân sự. Lúc đó Mỹ có thể triển khai sức mạnh ra biển Đông dễ dàng hơn.

Mỹ sớm kết thúc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Mỹ, Việt Nam, Nhật và chín nước khác đang đàm phán TPP. Một khi tạo ra thị trường rộng lớn, TPP sẽ giúp các thành viên giảm lệ thuộc kinh tế vào TQ, từ đó tự do hơn khi phản đối hành động sai trái của TQ.

ĐĂNG KHOA

 

Phản ứng kiên quyết, TQ sẽ co vòi lại

Đã có tiền lệ cho thấy nếu Mỹ và các đồng minh phản ứng kiên quyết thì TQ sẽ co vòi lại. Sau khi TQ đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã đưa máy bay bay vào mà không báo trước. Hàn Quốc mở rộng vùng nhận dạng phòng không của mình. Mỹ và Nhật đã hỗ trợ quân sự cho một số nước có tranh chấp với TQ. Nhật tăng ngân sách quốc phòng và soạn thảo chiến lược an ninh quốc gia. Sau hàng loạt phản ứng đó, TQ không dám tuyên bố thêm về vùng nhận dạng phòng không cũ và không còn theo đuổi tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không mới trên biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới