Nhưng đôi khi do sau này đã yêu một người đàn ông khác hoặc vì con cái, họ quyết định đứng lên tố cáo mafia ra trước công lý. Và họ đã phải trả giá đắt cho hành động này bằng chính mạng sống của mình.
‘Ndrangheta là một tổ chức mafia ra đời từ vùng Calabria, miền nam nước Ý. Cũng như Cosa Nostra, ‘Ndrangheta phát sinh từ vùng nông thôn nên ban đầu không gây chú ý nhiều đối với giới truyền thông và tránh được các đợt truy quét của cảnh sát. ‘Ndrangheta “khởi nghiệp” từ việc bắt cóc tống tiền nhưng vì không “sinh lợi” nhiều từ hoạt động này nên đến năm 1980, ‘Ndrangheta đã quay sang hợp tác với các thế lực ở Colombia và Mexico để buôn lậu thuốc phiện và dần dần trở nên hùng mạnh.
Bị đánh đập cho đến khi khuất phục
Tháng 5-2011, Maria Concetta Cacciola đã đến và nói với cảnh sát: “Nếu gia đình tôi biết tôi đang ở đây để kể ra tất cả chuyện này thì chắc chắn họ sẽ giết tôi”. Cô luôn ý thức được rõ sự nguy hiểm này vì bố cô, ông Michele, chính là anh rể của trùm Gregorio Bellocco. Maria Concetta Cacciola quyết định phá vỡ luật im lặng và bắt đầu hợp tác với công lý. Chồng cô là Salvatore Figliuzzi sau đó đã bị kết án tám năm lao động quản thúc do đã hợp tác với mafia.
Những dấu đạn bắn thủng trên cửa sổ một nhà hàng tại Calabria tháng 11-2013. Nguồn: Reuters
Ba tháng sau đó, tháng 8-2011, tuy đã được cảnh sát bảo vệ nhưng vì quá nhớ con nên Maria Concetta Cacciola đã quyết định quay trở về Calabria. Sau khi về nhà, cô bị đe dọa, bị giam cầm, bị đánh đập, bị cách ly khỏi các con, bị cả thân tộc dùng mọi thủ đoạn buộc cô phải rút lại lời khai trước đó với cảnh sát. Cuối cùng, bà mẹ trẻ đã phục tùng, cô tuyên bố trong một đoạn băng ghi âm: “Trước đây tôi đã nói dối bởi vì lúc đó tôi muốn trả thù những người thân trong gia đình do đang có chuyện xích mích”.
Ngày 20-8-2011, Maria Concetta Cacciola đã chết sau khi uống acid. Một vụ tự tử chăng? Hay một án mạng? Bố mẹ và anh trai Maria Concetta bị cáo buộc đã ép cô phải rút lại lời khai và đã bị bắt. Ba năm sau, nhân dịp ngày về quyền phụ nữ, ảnh chân dung của Maria Concetta Cacciola đã được đăng tải trên trang nhất của nhật báo địa phương là tờ Il Quotidiano della Calabria.
Một nhân vật khác may mắn hơn Maria Concetta Cacciola là cô Giuseppina Pesce, người đã hợp tác với cảnh sát và giúp cảnh sát thu giữ được tổng số tiền là 190 triệu euro từ băng nhóm Pesce. Những gương mặt phụ nữ này đã trở thành biểu tượng sống động của cuộc đấu tranh chống lại tổ chức mafia tại vùng Calabria có tên là ‘Ndrangheta, bởi chỉ riêng việc dám cung cấp thông tin cho cảnh sát đã là một chọn lựa táo bạo và nguy hiểm đến an toàn tính mạng.
Cô Giuseppina Pesce đã hợp tác thành công với cảnh sát trong việc đấu tranh chống lại mafia ‘Ndrangheta. Nguồn: Scirocconeea.it
Nhưng vì sao những phụ nữ này đã dám hành động? Theo Goffredo Buccini viết trong quyển Maria Carmela, người phụ nữ chống lại ‘Ndrangheta, trước tiên họ hành động là vì những đứa trẻ. Tác giả viết: “Phụ nữ tại Calabria ngày nay không còn là phụ nữ Calabria của 50 năm về trước. Họ không còn ngồi khoanh tay chấp nhận một thực tế rằng tương lai duy nhất của con cái họ sau này chỉ là một trong hai con đường, đó là hoặc bị giết chết, hoặc bị đi tù”. Kế đến là vì tình yêu: Cả Giuseppina Pesce lẫn Maria Concetta Cacciola đều đã phải lòng một người đàn ông khác ngoài chồng mình. Một sự thật mà mọi người tại vùng đất này, nhất là những thành viên trong gia đình khó mà tưởng tượng ra cho được. Một lần, khi Maria Concetta Cacciola kể cho bố cô nghe rằng cô đã bị chồng mình rút súng đe dọa, bố cô đã bẻ lại: “Chồng con là cuộc hôn nhân của con. Con phải giữ chồng con suốt đời”.
Thế đấy, từ cuộc sống cay nghiệt bên người chồng luôn máu lạnh, luôn dùng bạo lực để hăm dọa, cuộc nổi loạn của những người phụ nữ này cũng chính là cuộc đấu tranh vì nữ quyền với ý chí hướng đến một cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ. Tác giả Angela Iantosca trong quyển sách Tôn vinh người mẹ đã quan tâm nhiều đến vai trò của phụ nữ trong tổ chức ‘Ndrangheta: “Những người phụ nữ đó đã rung động và đã yêu thật sự vì đây là lần đầu tiên họ biết yêu. Và với mối quan hệ đó, họ cảm thấy mình được nhìn nhận như những con người chứ không phải như những con thú”.
Internet dẫn đường phản kháng
Internet là phương tiện hữu hiệu giúp các phụ nữ này khám phá ra được rằng trên đời còn có một thế giới khác ngoài cái thế giới mà các cô đang sống trong hiện tại. Qua Facebook và bằng một cái tên giả, Maria Concetta Cacciola đã gặp được người đàn ông mà sau đó cô đã yêu thật sự. Tác giả Lirio Abbate trong quyển sách của mình đã giải thích: “Đa số phụ nữ này chưa bao giờ bước chân ra khỏi vùng đất Calabria. Sau khi học hết bậc phổ thông, họ đều bị ngăn cản không cho học lên đại học vì điều đó đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho các cô thoát ra khỏi vùng đất nơi các cô đã sinh ra. Các cô luôn phải sống trong chiếc cũi mà mafia đã tạo ra, đa số các cô xem đó là chuyện bình thường”.
Hơn thế nữa, ‘Ndrangheta từ lâu vốn là một tổ chức “trọng nam khinh nữ” và quan niệm đó đã ăn sâu vào tận bên trong cơ cấu của tổ chức. Giáo sư Enzo Ciconte kể lại rằng khi xưa vào đầu thập niên 1900, phụ nữ còn được quyền cải trang và tham gia vào các “chiến dịch” cùng với nam giới nhưng theo thời gian phụ nữ đã bị gạt ra rìa. Đến những thập niên 1980 và 1990, khi nhiều thành viên nam giới của mafia bị bắt và bị giết, phụ nữ tạm thời đã được trao quyền chút đỉnh trong việc thực thi bạo lực nhưng chủ yếu là họ được giao quản lý túi tiền của mafia. Song vai vế của phụ nữ trong tổ chức mafia không bao giờ được xem trọng như nam giới.
Ngược lại, phụ nữ đóng một vai trò trọng yếu trong giáo dục. Tác giả Goffredo Buccini khẳng định: “Phụ nữ là mắt xích quan trọng nhất trong việc truyền dẫn các giá trị gia đình và xã hội. Nếu như mắt xích này bị thay đổi thì sẽ có rất nhiều chuyện theo đó mà biến đổi theo”. Bà Marika Demaria, tác giả quyển Sự lựa chọn của Lea, cũng đồng quan điểm trên: “Vai trò của phụ nữ mang tính chất nền tảng. Họ nắm giữ các giá trị truyền thống của gia đình và của mafia như bảo vệ danh dự, tôn trọng tổ chức và thực thi luật im lặng. Cho nên nếu có một ai đó muốn đoạn tuyệt với thế giới tội phạm này thì trước hết tư tưởng đó cũng sẽ được truyền đi từ phụ nữ, từ những người mẹ”.
Vì thế các thành viên mafia rất sợ bị phụ nữ phản bội. Tác giả Lirio Abbate đúc kết như sau: “Tổ chức ‘Ndrangheta tồn tại được là nhờ có sự đồng thuận xã hội. Nếu như cô Giuseppina Pesce có thể tạo phản thì khi đó nhiều phụ nữ khác cũng có thể theo gương. Và nếu như tất cả phụ nữ tại đây đều quyết định đứng lên hợp tác với công lý thì kết cục sẽ là “Thế là hết!”. Các thành viên mafia đều hiểu và tự nhủ như vậy”. Tuy nhiên, tác giả Lirio Abbate vẫn không quá lạc quan: “Việc phụ nữ hợp tác với cảnh sát chỉ là những trường hợp cá biệt và nhận được rất ít hậu thuẫn, bởi đại đa số phụ nữ trong mafia vẫn còn bị vướng vào một nền văn hóa và cách ứng xử cố hữu như từ bao lâu nay”.
Do đó, một phụ nữ tại Calabria sẽ gặp vô vàn khó khăn khi cô ta muốn nổi loạn chống lại mafia, nhất là khi tổ chức ‘Ndrangheta nay đã tạo ra được một sự đồng thuận trong xã hội, đã có được một vị thế nào đó trong nhà nước, đã kiếm được công ăn việc làm cho những người thất nghiệp và đã giải quyết được nhiều vấn đề xã hội.
Cuộc chiến đơn độc
Cuối cùng, cấu trúc tổ chức của ‘Ndrangheta được dàn trải theo chiều ngang, đã len lỏi và bám rễ thành công vào tận bên trong cuộc sống và sinh hoạt của các gia đình. Tác giả Goffredo Buccini giải thích: “Phản bội cơ cấu tổ chức đó tức là phản bội lại gia đình. Người phụ nữ Calabria nào nói không với ‘Ndrangheta tức là nói không với bố mình chứ không chỉ là nói không với ông trùm của mình mà thôi. Chính điều đó đã giúp cho ‘Ndrangheta có được một sức mạnh thâm nhập mạnh mẽ và vô song tại Ý”.
Vì thế một phụ nữ nào đó cố gắng thử sức mình bằng cách tách ra khỏi ‘Ndrangheta thì sẽ bị gia đình ruồng bỏ và đơn độc trong xã hội, thậm chí bị gia đình thủ tiêu là điều không tránh khỏi. Trong tổ chức ‘Ndrangheta, chỉ có một thành viên duy nhất trong gia đình có thể rửa sạch vết nhơ về danh dự mà người phụ nữ đó đã bôi tro trét trấu lên gia đình, đó có thể là người anh, người bố hay một người đã sống chung và trưởng thành cùng cô ta hoặc người đã nuôi nấng, dạy dỗ cô ta. Do đó cũng dễ dàng thấy rằng Giuseppina Pesce là người phụ nữ duy nhất đã đi được trọn vẹn đến đích cuối cùng khi đứng lên hợp tác với công lý, trong khi Lea Garofalo, Maria Concetta Cacciola và Tita Buccafusa đều đã phải trả giá bằng cả sinh mạng.
LẬP BÌNH (Theo Slate)
‘Ndrangheta thu lợi nhiều hơn cả McDonald’s Cơ quan thống kê của Ý là Viện Demoskopika đã nghiên cứu tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như Bộ Nội vụ, cơ quan an ninh, Ủy ban chống mafia của Quốc hội và Ban điều tra chống mafia và công bố kết quả vào cuối quý I-2014, theo đó tổng thu nhập của ‘Ndrangheta trong năm 2013 là 53 tỉ euro, tương đương doanh số của cả ngân hàng Đức Deutsche Bank và McDonald’s cộng lại và chiếm 3,5% GDP của nước Ý. Viện Demoskopika cũng đã thông tin rằng ‘Ndrangheta hiện diện tại 30 quốc gia, trong đó có Úc, Đức, Togo và Thái Lan, thu nạp được khoảng 50.000 cá nhân thành viên được phân bổ trong số 380 băng đảng tội phạm đang hoạt động. (Theo Le Parisien) |