Ngày 9-8, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) thông tin lần đầu tiên BV đã điều trị thành công ca túi phình mạch máu não phức tạp bằng phương pháp can thiệp nội mạch mà không cần gây mê.
Bệnh nhân là thiếu nữ 15 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM đã được điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch cách đây một năm do bị phình hai động mạch đốt sống, vị trí hợp lưu tạo thành động mạch thân nền cung cấp máu cho vùng thân não. Tuy nhiên, sau một năm, kết quả tái khám cho thấy túi phình động mạch ngày càng lớn hơn, chèn ép vào thân não chực chờ vỡ, đe dọa tính mạng.
Sau khi hội chẩn với chuyên gia đầu ngành, được sự đồng thuận của gia đình, BV Nhi đồng 2 quyết định can thiệp nội mạch gây tắc động mạch đốt sống đoạn mang túi phình bên còn lại (bên phải) để ngăn chặn nguy cơ vỡ túi phình.
Sau can thiệp, tuần hoàn sau được cấp máu tốt qua động mạch thông sau. Ảnh: BVCC
Sau khi bàn bạc, êkíp quyết định sẽ tiến hành mọi can thiệp trong khi bệnh nhân vẫn tỉnh táo, chỉ gây tê tại chỗ vị trí bẹn hai bên để đặt ống thông vào động mạch đùi. Sau đó luồn ống thông chọn lọc vào động mạch đốt sống bên phải, rồi bơm bóng ngăn luồng máu chảy lên túi phình. Đồng thời chặn luôn dòng máu lên thân não. Kiểm tra sự thông nối từ tuần hoàn não trước và tuần hoàn não sau không có vấn đề bất thường, bác sĩ đã bơm thuốc cản quang giúp hiển thị cây mạch máu não. Trong quá trình này, bệnh nhân vẫn trả lời và thực hiện theo y lệnh được.
Êkíp tiến hành hội chẩn lại lần nữa và quyết định đặt sáu vòng xoắn coil để tắc hoàn toàn động mạch đốt sống bên phải đoạn mang túi phình. Kết thúc quá trình can thiệp, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, vẫn cử động, nói chuyện được, cả êkíp mới thở phào nhẹ nhõm.
Sau hơn một tuần theo dõi, hiện bệnh nhân phục hồi tốt, không yếu liệt tay chân. Lúc này các bác sĩ mới tin vào quyết định mạo hiểm của mình.
Đây là lần đầu tiên một bệnh nhân được can thiệp mạch máu khi đang hoàn toàn tỉnh táo tại BV Nhi đồng 2. Việc để bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo giúp êkíp có thể theo dõi và đánh giá các chức năng thần kinh của bệnh nhân trong suốt quá trình can thiệp. Nhờ đó có thể đưa ra những phương án can thiệp tối ưu nhất. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự phối hợp của êkíp gây mê cũng như sự hợp tác của bệnh nhân.