Nam thanh niên làm công nhân THP (20 tuổi), ngụ Hóc Môn được người nhà đưa vào BV Trưng Vương (TP.HCM) trong tình trạng ói ra máu, choáng, tụt huyết áp.
Tại đây, qua các xét nghiệm, P. được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa, có ổ loét ở dạ dày tá tràng đang phun máu ồ ạt, là biến chứng của bệnh sốt xuất huyết (SXH) trở nặng ở ngày thứ tư, tình hình rất nguy kịch. P. được chỉ định dùng thuốc và cầm máu nội soi là hai phương pháp áp dụng thành công cho hầu hết các trường hợp xuất huyết nội tạng nhưng không hiệu quả.
Phương pháp mổ để cầm máu cũng được tính đến nhưng khả năng thành công rất thấp bởi tình trạng rối loạn đông máu do tiểu cầu giảm là một trong các biến chứng của SXH, lo ngại máu sẽ chảy ồ ạt không cầm được.
Bệnh nhân đang hồi phục tốt và có thể xuất viện vào cuối tuần. Ảnh: H.LAN
Một cuộc hội chẩn nội viện khẩn cấp huy động các chuyên khoa gồm khoa nhiễm, hồi sức, nội tiêu hóa, ngoại tổng hợp, can thiệp mạch máu nhanh chóng được diễn ra. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, các bác sĩ quyết định sẽ can thiệp nội mạch để cầm máu vị trí đang chảy máu trong dạ dày cho bệnh nhân.
Trong lúc đó, tất cả bác sĩ, điều dưỡng của các khoa khác phải chạy đua vừa hồi sức vừa truyền máu, truyền dịch cho bệnh nhân. Tổng cộng tám bịch máu tương đương hơn 2 lít máu đã được bơm vào người bệnh nhân.
BS Ngô Minh Tuấn, trưởng đơn vị can thiệp mạch máu BV Trưng Vương cho biết bệnh nhân được đặt ống thông đi từ đùi lên để tiếp cận vị trí tổn thương ở vị tá tràng, làm tắt mạch máu đang chảy, đồng thời bơm keo sinh học dán kín vị trí này lại.
May mắn, khi cầm được máu, bệnh nhân không còn sốc, mạch về bình thường và được chuyển về khoa nhiễm tiếp tục theo dõi, điều trị. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, ăn uống được, đi cầu phân vàng trở lại chứng tỏ bộ máy tiêu hóa không còn xuất huyết và dự kiến sẽ được xuất viện vào cuối tuần.
Theo các bác sĩ, việc can thiệp nội mạch cứu sống bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do sốt xuất huyết chưa hề có tiền lệ ở bệnh viện. Hiện bệnh viện chủ yếu can thiệp nội mạch để cầm máu xuất huyết tiêu hóa do loét đơn thuần.
Ngoài ra, sự thành công của ca phẫu thuật còn là sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật can thiệp nội mạch tiên tiến. SXH ở VN do virus dengue ở những năm 80 xuất hiện ở trẻ em là nhiều, những năm gần đây gia tăng ở người lớn với tình trạng xuất huyết ở nhiều nơi như niêm mạc, tiêu hóa, dạ dày, ruột, não khiến bệnh nhân hôn mê. Điều trị ca SXH nặng khó do hệ thống đông máu trong cơ thể bị rối loạn dẫn đến dễ chảy máu ồ ạt khi can thiệp phẫu thuật.