LTS:Bài viết của nhà báo Đức Hiển về cây bút ký sự đường xa của Pháp Luật TP.HCM, phóng viên Nguyễn Hà Cẩm Tú, người đã mất liên lạc những ngày qua sau động đất Nepal và đã báo tin an toàn.
Giờ khi tôi viết những dòng này thì Cẩm Tú đang trekking chặng cuối cùng, đợi trực thăng tới đón và thêm một chặng nữa để trở về Kathmandu. Cô đã có những trải nghiệm và cảm xúc không mong đợi khi trekking qua một chặng đường gian nan hiểm trở, mất hoàn toàn liên lạc với bên ngoài giữa khi một phần Nepal rung chuyển và bị tàn phá bởi động đất.
Sau chuyến đi xa đầu tiên đến Singapore mười năm trước trong một kỳ nghỉ ngắn, nhiều năm nay bước chân của cô phóng viên bé nhỏ ấy đã trải qua không biết bao nhiêu cung đường, bao nhiêu cảm xúc. Hành trình bằng xe máy xuyên Tây Nguyên, rồi Đông Bắc- Tây Bắc; những chuyến đi lên Tây tạng; qua Ấn Độ và Nepal, lang thang hàng tháng trời giữa thảo nguyên Mông Cổ cùng những người du mục…. Và lần này, Cẩm Tú trở lại Nepal để chinh phục một cung đường mà lần trước chưa kịp đi.
Tôi vẫn gọi đùa Cẩm Tú là “kẻ lang thang có trách nhiệm” khi cô không bao giờ đến một vùng đất mới với một cái đầu rỗng. Không có kiến thức, ít thông tin, người ta sẽ không có đủ tình yêu dành cho vùng đất và con người nơi sẽ đến. Cảm xúc trải nghiệm chỉ đủ độ cao và độ sâu khi nó phản xạ với những am hiểu trước đó. Đọc nhiều, tìm hiểu nhiều, tiện tặn để dành tiền và đi, nỗi đam mê những cung đường trước mặt luôn vẫy gọi Tú. Hơn thế, nó là niềm hạnh phúc, là động lực để cô sống và viết. Những chuyến đi của Tú rất tiết kiệm, được lên kế hoạch chặt chẽ. Những hào hứng không thể thay thế được việc tự lo chăm sóc bản thân mình.
Cô phóng viên nhỏ Cẩm Tú luôn sẵn sàng chinh phục những vùng đất mới
Những ngày qua, mất liên lạc với Tú, mới thấy tình cảm mà gia đình, đồng nghiệp và bè bạn dành cho cô hơn những gì bình thường tôi vẫn thấy. Khi quá lo lắng, đã có lúc mọi người nghĩ: Cứ trở về bình yên đi rồi muốn gì cũng được, trừ chuyện đi. Thế nhưng ai cũng biết rằng nếu được “yêu sách”, điều duy nhất cô sẽ đề nghị là được… tiếp tục lên đường.
Yêu Nepal, những ngày tới khi trở về một Kathmandu hoang tàn sẽ là điều khó khăn với Cẩm Tú. Không chỉ là tình đồng loại và sự yêu quý một nền văn hóa, với những gì đã cảm nhận được trong lần đến Nepal trước đây, cảm xúc cá nhân với cô sẽ còn là nỗi đau đớn trước một góc ký ức của mình bị tàn phá.
Nhưng ngay nỗi đau cũng là một phần cấu thành của cuộc đời này. Nó sẽ thành hành trang không mong muốn nhưng cũng khiến ta thêm nâng niu những gì đã có. Tôi nghĩ, Cẩm Tú cảm nhận rõ điều đó hơn mình.