Bước chuyển mình của ngành tòa án TP.HCM

(PLO)- Trong năm 2023, tòa án hai cấp ở TP.HCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính tư pháp, xây dựng tòa án điện tử…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2023, để hoàn thành tốt các mặt công tác, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại án, đáp ứng nhiệm vụ chính trị, tòa án hai cấp TP.HCM tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tòa án. Chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương và TP về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm.

Hội đồng xét xử tại một phiên tòa ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Hội đồng xét xử tại một phiên tòa ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thứ hai: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và của Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Trong đó, bám sát các chỉ tiêu công tác của tòa án tại Nghị quyết 96/2019/QH14, Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án cũng như các nghị quyết, chỉ thị của Ban cán sự đảng, Chánh án TAND Tối cao về triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác.

Thứ ba: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tòa án hai cấp TP; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp; xây dựng, củng cố và hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của tòa án; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt hoạt động của tòa án là bài toán giải quyết về biên chế và theo kịp với thời đại công nghệ 4.0; đặc biệt là việc xây dựng tòa án điện tử; tăng cường tính hiệu quả trong công tác xét xử trực tuyến. Tiếp tục triển khai các phần mềm quản lý; chuẩn bị các điều kiện để kết nối dữ liệu theo Đề án 06.

Ông Lê Thanh Phong, Đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Lê Thanh Phong, Đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

TAND TP.HCM triển khai thực hiện có hiệu quả một số đề án như: Đề án đối thoại trực tuyến trong giải quyết án hành chính; Đề án phiên họp trực tuyến giải quyết việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Đề án tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Xây dựng và triển khai một số phần mềm hỗ trợ hoạt động quản lý, điều hành; khai thác, sử dụng các tiện ích trên cổng thông tin điện tử, từng bước cung cấp dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử.

Thứ tư: Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, các vụ án kinh doanh thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, góp phần cùng TP cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính. Tăng cường tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án, đảm bảo đúng pháp luật, chặt chẽ, rõ ràng, khả thi.

Thứ năm: Tăng cường và chú trọng làm tốt công tác dân vận trong hoạt động xét xử; đây là một trong những nhiệm vụ trong tâm của thẩm phán, thư ký tòa án hai cấp TP. Dân vận khéo trong hoạt động xét xử sẽ góp phần hạn chế việc khiếu nại, tố cáo, tạo sự đồng thuận giữa các bên. Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua theo chủ đề “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Tăng cường công tác đóng góp xây dựng pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến và áp dụng thống nhất pháp luật. Tăng cường áp dụng hiệu quả án lệ trong công tác xét xử án, chủ động tích cực đề xuất, kiến nghị xây dựng và phát triển án lệ.

Áp lực khi thiếu thư ký tòa án

Về nhân sự, tôi rất mong được bổ sung thêm thư ký, việc thiếu thư ký đang gây khó khăn cho hoạt động nghiệp vụ của tòa án. Hiện nay, một thư ký tại TAND TP Thủ Đức giúp việc cho 3-4 thẩm phán. Trung bình mỗi tháng một thẩm phán giải quyết bảy vụ. Như vậy, mỗi thư ký phải gánh khối lượng công việc rất lớn, gần như quá tải.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG YẾN

Ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG YẾN

Về cơ sở vật chất, TAND TP Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện các phòng xử trực tuyến hình sự, xử lý cai nghiện, nối mạng với UBND TP Thủ Đức.

Năm 2021, TAND TP Thủ Đức giải quyết hơn 3.500 vụ án các loại; năm 2022 giải quyết 5.500 vụ và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Do đó, việc bắt tay ngay vào làm việc sau khi kết thúc các kỳ nghỉ tết Dương lịch, tết Nguyên đán là rất quan trọng bởi chỉ tiêu thi đua của ngành ngày càng cao. TAND TP Thủ Đức sẽ chú trọng việc giải quyết các án tạm đình chỉ, án quá hạn lâu năm.

Trong năm 2023, để hoàn thành tốt các mặt công tác, đáp ứng nhiệm vụ chính trị, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, TAND TP Thủ Đức tập trung vào các giải pháp sau:

Một là tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp.

Hai là thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh.

Ba là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động công vụ, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm.

Ông NGUYỄN THÀNH VINH,

Chánh án TAND TP Thủ Đức, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm