“Vi chất dinh dưỡng rất quan trọng cho sự phát triển thể chất lẫn tinh thần, nhất là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Trong những năm gần đây, bệnh tật liên quan do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng như bướu cổ, khô mắt, thiếu máu… có chiều hướng gia tăng”.
Đây là thông tin do ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cung cấp thông tin trên tại hội nghị triển khai nghị định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm ngày 23-6.
Theo nội dung của nghị định, Chính phủ quy định bắt buộc tăng cường bốn vi chất dinh dưỡng nói trên vào thực phẩm. “Muối phải được tăng cường i-ốt. Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm. Dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A” -ông Quang cho biết thêm.
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM giới thiệu một số thực phẩm chứa nhiều vi chất dinh dưỡng. Ảnh: TRẦN NGỌC
Cũng theo ông Quang, đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm vi chất dinh dưỡng của mình.
Theo bà Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), khẩu phần hiện nay của người Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu về vi chất dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì; thiếu vitamin A cận lâm sàng; thiếu máu, sắt, kẽm, i-ốt là vấn đề sức khỏe cộng đồng, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. “Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Từ đó cải thiện tầm vóc, nâng cao sức khỏe” -bà Mai cho biết.